Dự án Khu neo đậu tránh, trú bão và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Mặc dù đã đi vào hoạt động gần chục năm nay, nhưng dự án chưa thực sự phát huy hiệu quả, trong khi nhiều hạng mục đang bị hư hỏng xuống cấp nghiêp trọng. Cùng với đó, môi trường tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một lượng lớn rác thải trôi dạt vào bờ kè tại khu neo đậu tàu, thuyền tạo thành từng đống lớn, bốc mùi hôi thối.
Rác thải bủa vây gây ô nhiễm môi trường tại Khu neo đậu tránh, trú bão tại huyện Cô Tô |
Gần 10 năm đi vào hoạt động và được kỳ vọng là Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ, trung tâm chưa thấy đâu, trong khi cả khu mặt bằng rộng hàng nghìn m2 được bổ bê- tông kiên cố, nhưng ngoài căn nhà điều hành, còn lại chưa có hạng mục nào được xây dựng để cung ứng cho các tàu, thuyền như: xăng dầu, thực phẩm, chứ chưa nói đến khu chế biến, nhà kho đông lạnh hay dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, tất cả vẫn chỉ để cỏ mọc hoang.
Sóng biểm "ngoạm" sát vào chân tuyến đường dẫn ra khu neo đậu gây sạt lở nghiêm trọng |
Thậm chí tại nhiều điểm thuộc khu vực bờ kè chắn sóng bảo vệ khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền bị sạt lở, trên mặt đê chắn sóng xuất hiện nhiều điểm bong tróc, hệ thống rãnh thoát nước mặt đường dẫn ra khu neo đậu nhiều chỗ bị sập vỡ.
Còn đối với hạng mục khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cũng bộc lộ nhiều bất cập, do bờ kè nơi tàu vào neo đậu dựng đứng, quá cao so với nhiều tàu, không có hộ lan, việc di chuyển rất khó khăn từ tàu lên mặt cảng, nhất là khi có sóng to, gió lớn. Vì vậy, dù đi vào hoạt động nhiều năm nay, nhưng đến nay chưa đủ tiêu chuẩn được công bố là Khu neo đậu tránh, trú bão.
Nhiều hạng mục Khu neo đậu tránh, trú bão tại huyện Cô Tô đang bị xuống cấp |
Ông Vũ Văn H, quê ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa làm việc trên tàu số TH 92189 Ts cho biết, do máy phát điện bị hỏng, nên anh em trên tàu ghé vào khu neo đậu để sửa máy và mua thêm ít thực phẩm, vừa buộc dây neo được một lúc, do sóng giật mạnh làm dây neo bị miết vào bờ kè mặt cảng dẫn đến dây bị đứt.
Ông H. cho biết thêm, khu neo đậu lẽ ra phải 3 mặt kín sóng, nhưng hiện tại mới chỉ có 2 mặt, nên vào mùa mưa bão, nhiều tàu thuyền không dám vào tránh bão, do không đảm bảo an toàn.
Nhiều hộ dân ngang nhiên thả phao xốp nuôi thủy sản ngay tại Khu neo đậu tránh, trú bão |
Được biết, dự án Khu neo đậu tránh, trú bão và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ giai đoạn I tại huyện đảo Cô Tô được khởi công từ năm 2009, thực hiện trong 5 năm. Tổng mức đầu tư của dự án trên 466 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn.
Năm 2012, giai đoạn I của dự án được hoàn thành, gồm: Khu neo đậu, tránh, trú cho các tàu khai thác thủy hải sản tại ngư trường Bắc Vịnh Bắc bộ. Đến cuối năm 2015, giai đoạn II của dự án tiếp tục được triển khai, với khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá, san tôn nền, hệ thống đường giao thông, thoát nước mặt, thu gom và bể xử lý nước thải, cấp nước, sân bãi tập kết, cấp điện; khu nhà quản lý, điều hành... Giai đoạn II này đi vào hoạt động cách đây gần 4 năm.
Mặt bằng được kỳ vọng là Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc bộ, nhiều năm nay vẫn bỏ hoang |
Trao đổi với PV Báo TN&MT, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Vũ Văn Hiển cho biết, hiện tại, tàu thuyền vẫn vào neo đậu tại khu neo đậu tránh, trú bão, nhưng do còn một số bất cập, nên huyện, cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề nghị Bộ, Trung ương tiếp tục đầu tư để hoàn thiện dự án, cũng như cấp phép cho khu neo đậu tránh trú, bão.
Trong khi mùa mưa bão đang cận kề, biện pháp để đảm bảo an toàn, các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Cô Tô và khu vực lân cận đành "ngậm ngùi" đưa tàu, thuyền vào khu neo đậu tại Hồng Vàn tại huyện Cô Tô, chắc ăn hơn thì di chuyển về huyện Vân Đồn để chạy bão.