Dự lễ khởi động về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3; Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Quý Kiên cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên các công nhân lao động tại lò chợ cơ giới hóa 41104 mức -240m, tại Công ty Than Núi Béo |
Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII) tại Văn bản số 1409/TTg-CN ngày 17/10/2020; được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 23/6/2021.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư dự án bấm nút khởi động Dự án nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh |
Dự án được đặt tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW do Liên danh PV Power - Colavi - Tokyo Gas – Marubeni đầu tư. Khi hoàn thành, dự án bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo bù đắp công suất cho hệ thống điện quốc gia trong những năm tới, đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương.
Với tổng mức đầu tư 47.480 tỷ đồng (tương đương 1.998 triệu USD), nhà máy sẽ bao gồm 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW, sân phân phối 500 KV với quy mô đảm bảo truyền tải hết công suất 1.500MW của nhà máy điện. Cùng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nhà máy điện như: Kênh dẫn nước làm mát vào nhà máy, kênh dẫn nước xả trở về biển đảm bảo đủ công suất phát điện đạt 3.000 MW, kênh dẫn nước thải dân sinh đi ngang mặt bằng nhà máy, đường giao thông nội bộ và kết nối với hạ tầng giao thông của địa phương.
Các đại biểu tham dự lễ khởi động Dự án nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh |
Đồng thời, có bến nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 2,4 triệu tấn LNG/năm, bao gồm: 01 bến cập tàu và các hạng mục phụ trợ phục vụ bến nhập LNG; tuyến ống vận chuyển LNG từ bến nhập LNG về kho chứa đáp ứng quy mô sản lượng thông qua 2,4 triệu tấn LNG/năm; kho chứa LNG công suất 1,2 triệu tấn/năm với 2 bồn chứa loại trên cạn, mỗi bồn chứa có dung tích 100.000 m3. Khu tái hóa khí phục vụ nhà máy điện khí với công suất 1.500 MW. Cùng các thiết bị và hạng mục phụ trợ (hệ thống đường ống, van, thiết bị hóa hơi, bơm vận chuyển, thiết bị nén khí, thiết bị điều chỉnh nhiệt trị, trạm bơm nước biển, ống thông hơi và thiết bị điều khiển...). Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động khai thác trong quý III/2027.
Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh đầu tư sản xuất điện sử dụng nguyên liệu là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nên khi được triển khai sẽ góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động của thành phố Cẩm Phả và các địa phương khác trong Tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cẩm Phả nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung...
Đại diện Tổ hợp Nhà đầu tư cam kết sẽ khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đàu tư, triển khai đầu tư theo đúng quy định và đáp ứng tiến độ như mong muốn của tỉnh Quảng Ninh, phù hợp với quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các đại biểu nhấn nút khởi công Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh |
Cũng trong ngày 24/10, tỉnh Quảng Ninh khởi công 3 dự án gồm: Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Lê Văn Thành đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ, Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã trực tiếp xuống lò chợ cơ giới hóa 41104 mức -240m thuộc khai trường hầm lò của Công ty CP Than Núi Béo, để kiểm tra thực địa và thăm hỏi, động viên, tặng quà công nhân. Lò chợ 41104 áp dụng công nghệ cơ giới hóa - một trong những công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong khai thác mỏ tại Việt Nam và thế giới. Năm 2021, Công ty CP Than Núi Béo phấn đấu sản xuất 1,1 triệu tấn than, trong đó riêng lò chợ cơ giới hóa đóng góp tới 400.000 tấn/năm, tương đương 35% sản lượng của cả mỏ.
Khởi công Dự án Sân gôn tại TX.Đông Triều |
Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh thuộc địa bàn Thị xã Quảng Yên và Thành phố Hạ Long, được triển khai trên diện tích hơn 4.100ha với tổng mức đầu tư dự kiến 232.369 tỷ đồng. Được đánh giá là một trong những dự án phức hợp mang bản sắc đô thị ven biển gắn với du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á. Dự án được quy hoạch hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, với đầy đủ các hạng mục đáp ứng nhu cầu an cư, làm việc, học tập và nghỉ dưỡng.
Phối cảnh Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) tại TP.Móng Cái |
Dự án Sân gôn Đông Triều 27 lỗ được đầu tư tại thị xã Đông Triều. Sân golf được quy hoạch trên diện tích 130ha, phục vụ khoảng 800 khách/ngày. Trong đó, diện tích quy hoạch sân golf rộng 128,72ha, còn lại là hạ tầng giao thông. Sân golf sẽ có các công trình lưu trú thấp tầng, khu khách sạn cao tầng, sân tập golf, hạ tầng cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi giải trí, không gian nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) được đầu tư tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái với tổng vốn đầu tư 2.248,50 tỷ đồng. Dự án được triển khai sẽ góp phần đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh Quảng Ninh, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam.