(TN&MT) - Được đầu tư xây mới với kinh phí 3 tỷ đồng, hệ thống kênh mương bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh được bàn giao cho địa phương và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018. Hệ thống kênh mương nhằm cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho cánh đồng rộng 22 ha của người dân trong bản. Tuy mới đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng do thiết kế theo kiểu “không giống ai” nên một trong hai tuyến kênh mương vẫn không có nước.
Bản Mốc 13 có 69 hộ dân, phần lớn là các hộ dân thuộc diện di dân biên giới của địa phương. Đặc biệt, đời sống kinh tế của người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng cánh đồng 22ha ở thôn chỉ gieo trồng được một vụ/năm do thiếu nước để canh tác, sản xuất. Vì vậy, đời sống của người dân bản Mốc 13 gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Anh Lỷ Văn Thái, bản Mốc 13 cho biết: "Những tưởng khi tuyến mương được sửa chữa xây mới hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018, nước sẽ về tới cánh đồng của bà con trong bản, nhưng thửa ruộng nhà tôi nằm liền kề ngay tuyến mương mới được đầu tư sửa chữa nhưng vụ sản xuất chính năm nay vẫn đành để cỏ mọc do không có nước để canh tác. Con mương mới được xây dựng không biết cán bộ thiết kế kiểu gì mà lại dốc ngược về phía cuối nguồn nước, vì vậy, nếu có nước, cũng không thể chảy được đến các chân ruộng”.
Thời điểm này, nhà nông chuẩn thu hoạch vụ lúa mùa, cũng là vụ sản xuất chính trong năm, nhưng không chỉ gia đình anh Thái “ngậm ngùi” bỏ hoang ruộng mà hàng chục hộ dân tại bản Mốc 13 cũng đành để cỏ hoang mọc trên những thửa ruộng của mình do không có nước để canh tác. Người dân bản Mốc 13 đang rơi vào “nghịch lý” có ruộng, nhưng không có nước để canh tác, nên cuộc sống của người dân lại quanh quẩn với hai chữ “đói nghèo”.
Qua tìm hiểu, từ năm 1999, Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương ở bản Mốc với 2 tuyến, gồm: Tuyến kênh 1 lấy nước từ suối nhánh sông Ka Long đi dọc theo tuyến đường vành đai biên giới tỉnh lộ 341 (nay là QL18C) cấp cho khu ruộng cao. Tuyến 2 cũng lấy nước từ khe suối của sông Ka Long có một đập dâng nước và kênh dẫn nước về khu ruộng thấp phía cuối bản Mốc 13. Tuy vậy, nhiều năm nay, 2 tuyến kênh mương này đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình định canh, định cư, Nhà nước đã đầu tư, sửa chữa và xây mới 2 tuyến kênh mương này để thay 2 tuyến kênh mương cũ đã bị hỏng. Cụ thể, tuyến kênh 1 được xây mới với chiều dài 1.130m; tuyến kênh 2 sửa chữa lại đập lấy nước và kiên cố lại toàn bộ kênh mương với chiều dài 713m với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.
Hai tuyến kênh được sửa chữa, xây mới hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn nước để người dân bản Mốc 13 an tâm canh tác, sản xuất, vươn lên “thoát đói, giảm nghèo”. Nhưng khi cả 2 tuyến kênh đưa vào sử dụng, người dân vẫn “dài cổ” đợi nước về tới những thửa ruộng của mình. Nghịch lý là, hai tuyến kênh đều là kênh nước tự chảy, nhưng không biết đơn vị thi công có đi khảo sát thực tế không mà lại thiết kế, xây kênh dốc ngược từ thấp lên cao, kết quả là nước không về tới ruộng của bà con nơi đây.