Quảng Ninh: Giữ rừng ngập mặn tạo sinh kế cho người dân

Phạm Hoạch 21/04/2023 - 15:40

(TN&MT) - Rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển, ven sông các huyện Đầm Hà, cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nhân lên những cánh rừng ngập mặn

Huyện Đầm Hà có tổng số 2.550 ha rừng ngập mặn tại 4 xã: Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập và Đại Bình. Trong đó có 2.380 ha diện tích rừng ngập mặn phòng hộ. Đây là “bức tường xanh” có vai trò quan trọng, góp phần tăng sự ổn định của bãi triều, chống xói lở bờ biển, từ đó sẽ giảm chi phí tu sửa đê, kè biển hàng năm của địa phương.

anh-dh-01.jpg
Những cánh rừng ngập mặn phòng hộ ven biển bảo vệ xóm, làng, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển của huyện Đầm Hà

Trao đổi với PV, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đầm Hà, ông Phạm Văn Thuật cho biết: Hiện đơn vị quản lý hơn 900 ha rừng ngập mặn phòng hộ nằm trên địa bàn 4 xã ven biển. Diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ, chăm sóc và duy trì ổn định, đồng thời huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân đảm bảo khai thác gắn với bảo tồn, không làm tổn hại đến hệ sinh thái của rừng ngập mặn.

Anh Nguyễn Tiến Phương, ở xóm Giáo, xã Đầm Hà chia sẻ, nhiều năm về trước, kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn, mấy năm trở lại đây nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư 3ha ao, đầm ven cửa sông nuôi cá song thương phẩm kết hợp trồng rừng bạch đàn, cây ăn quả, trung bình cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm, nhờ vậy đời sống gia đình được cải thiện, trở thành hộ khá giả trong thôn.

Trong hơn 20 năm qua, chương trình trồng rừng ngập mặn bằng nguồn vốn của Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện với diện tích gần 200ha trên địa bàn các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Tân Lập. Cùng với đó, hằng năm, huyện Đầm Hà đều tổ chức các đợt ra quân trồng rừng ngập mặn hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, nhờ vậy đã trồng mới thêm gần 10ha rừng ngập mặn tại các xã ven biển.

Mới đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Viện Tài nguyện và Môi trường, Tổ chức Hành động và Phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản (ACTMANG) hỗ trợ dự án Pha 6 (giai đoạn 2023-2028). Dự án dự kiến trồng khoảng 300 ha rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi khảo sát, đánh giá sẽ tiến hành trồng xen, trồng dặm bổ sung vào diện tích rừng ngập mặn tự nhiên kém chất lượng hiện có tại các địa phượng ven biển trên địa bàn tỉnh.

anh-dh-02.jpg
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng và người dân trồng rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên

Ông Phạm Văn Thuật cho biết thêm: Việc trồng bổ sung, phục hồi rừng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Đầm Hà đã góp phần ổn định cấu trúc rừng, ổn định hệ sinh thái rừng ngập mặn, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ dân vùng ven biển của địa phương.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân

Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có tổng số 19.300 ha rừng ngập mặn, trong đó rừng ngập mặn phòng hộ 15.274 ha, rừng ngập mặn sản xuất gần 4.000 ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26 ha.

Từ những bài học thực tiễn về tác động tiêu cực khi những cánh rừng ngập mặn bị tàn phá, chính quyền và người dân Quảng Ninh đã tích cực chung tay bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng ngập mặn. Những cánh rừng ngập mặn đã xanh trở lại, không chỉ có ích cho môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu mà còn đem lại nguồn thủy hải sản phong phú, tạo sinh kế bền vững giúp cho người dân ven biển ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên cũng là địa phương có hệ thống rừng sinh thái ngập mặn lớn của tỉnh Quảng Ninh, với gần 3.700 ha rừng ngập mặn, trong đó phần lớn diện tích rừng ngập mặn của huyện nằm ở xã Đồng Rui với gần 1.700 ha. Các chuyên gia đánh giá, rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui có hệ sinh thái đa dạng và đẹp nhất miền Bắc, với nhiều loại cây chống chịu mặn tốt như: trang, sú, vẹt với tuổi đời hàng chục năm tuổi. Vì vậy, rừng ngập mặn Đồng Rui không chỉ có giá trị quan trọng về đa dạng sinh học, mà còn giá trị lớn về kinh tế nuôi sống nhiều thế hệ người dân địa phương.

anh-dh-03.jpg
Thành quả sau một ngày đi biển của người dân xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà là các loại hải sản ngao, sò, bông thùa đem lại thu nhập. giúp bà con ổn định cuộc sống

Chia sẻ với PV, ông Ngô Quốc Trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đồng Rui cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng huyện tăng cường tuyên truyền người dân không xâm hại rừng ngập mặn, thành lập các tổ bảo vệ rừng tại các thôn, giữ gìn môi trường sinh thái, khai thác theo hướng bền vững. Đồng thời, hàng năm, xã còn phối hợp các đơn vị liên quan và nhân dân trồng xen hàng chục ha để duy trì bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ổn định.

Chị Nguyễn Thị Phương, ở thôn Hạ, xã Đồng Rui chia sẻ, sau nhiều năm trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở địa phương, giờ bên trong những cánh rừng sú, vẹt có hải sản như ngao, vạng, cáy, bông thùa. Trung bình mỗi ngày đi biển cho thu nhập khoảng 150 nghìn đồng, từ người già đến các cháu học sinh đều có thể đi biển bắt hải sản, những tán rừng ngập mặn đã tạo sinh kế, có thêm thu nhập, giúp cho nhiều hộ có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Những cánh rừng ngập mặn - “lá phổi xanh” từ bao đời nay che chở, bảo vệ xóm làng ven biển và nuôi sống bao người dân, vì vậy, mọi người hãy trân trọng bảo vệ, gìn giữ màu xanh của những cánh rừng ven biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Giữ rừng ngập mặn tạo sinh kế cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO