Môi trường

Quảng Ninh: Đa dạng cách làm để bảo vệ môi trường

Phạm Hoạch 14/12/2023 - 08:36

(TN&MT) - Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn Quảng Ninh đang được triển khai rộng khắp, đa dạng hình thức, tạo nhiều chuyển biến tích cực từ ý thức, hành vi đến kết quả.

Triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Từ nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai việc quản lý chất thải rắn theo định hướng quản lý tổng hợp chất thải rắn, chú trọng phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn. Một số địa phương như Tiên Yên, Hoành Bồ, Cô Tô đã xây dựng Đề án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, xây dựng mô hình thay đổi hành vi như “Dùng làn đi chợ”, hạn chế sử dụng túi ni lông. Đồng thời, triển khai thực hiện tại các thôn, khu, tổ dân cư việc phân loại và xử lý chất thải rắn, cũng như xây dựng các tổ thu gom CTRSH từ các gia đình đến điểm tập trung rác thải của xã, thị trấn.

anh-qn-02.jpg
Người dân xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà hưởng ứng phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường

Từ năm 2018, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương thực hiện triển khai thí điểm mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn thông qua dự án Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn được thực hiện thí điểm tại phường Thanh Sơn (TP. Uông Bí), xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ), tại thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô).

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Cô Tô Nguyễn Thị Thủy cho biết: Mô hình “Dùng làn đi chợ” hay nói không với túi ni lông vẫn được duy trì thường xuyên và nhân rộng ra toàn huyện, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và du khách đến với huyện đảo Cô Tô trong việc chung tay bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng địa phương ngày một xanh, sạch, đẹp.

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã từng bước hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Các bãi chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải hoặc các bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đã được tỉnh chỉ đạo đóng cửa và thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Cùng với triển khai phân loại rác tại nguồn, các địa phương khuyến khích người dân sản xuất phân bón từ rác hữu cơ, chất thải, phụ phẩm nông nghiệp. Được sự giúp đỡ của chính quyền, anh Lê Xuân Liêm trú tại thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, TX. Đông Triều đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thu gom chất thải từ chăn nuôi tại địa phương và các xã lân cận, sản xuất thành công sản phẩm Phân bón hữu cơ Xuân Liêm, được Bộ NN&PT cấp giấy lưu hành ra thị trường.

Nâng cao chất lượng môi trường sống

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là nâng cao ý thức trong cộng đồng, từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường và phát động đến từng thôn, khu dân cư, đặc biệt là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân.

Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều ban hành các kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về môi trường, cũng như tổ chức các hoạt động hưởng ứng theo các chủ đề được Bộ TN&MT chỉ đạo. Nội dung bảo vệ môi trường đã được tỉnh Quảng Ninh lồng ghép trong tài liệu giáo dục địa phương và được triển khai dạy tại các lớp 1, 2, 6 để giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.

Theo ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh: Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát. Với những chỉ đạo quyết liệt, các khu xử lý CTRSH đã được đưa vào vận hành, gồm: 3 khu xử lý chất thải cấp vùng đi vào hoạt động và 26 lò đốt rác hoạt động, đang thử nghiệm tại 9 địa phương với tổng công suất xử lý theo thiết kế 31.983kg/h. Ngoài ra, có 7 lò đốt đang đầu tư tại các xã đảo, các xã vùng sâu, vùng xa tại các huyện miền núi.

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực thực hiện việc di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Hiện nay, 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% khu công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch và 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB (Chương trình PforR), tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng 195 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh còn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân nông thôn đấu nối nước sạch được trên 37 ngàn đấu nối, trong đó trên 20 ngàn đấu nối nước từ 10 công trình thuộc Chương trình PforR. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,96%.

Thời gian tới, Quảng Ninh triển khai quyết liệt lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên đối với các dự án tại vùng Hạ Long và vùng Cẩm Phả, tăng dần sản lượng khai thác than hầm lò và hiện đại hóa công nghệ khai thác, cũng như chú trọng công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, thiết lập các vành đai cây xanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than đến cuộc sống của người dân - ông Nguyễn Như Hạnh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Đa dạng cách làm để bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO