Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo phòng chuyên môn, xã, phường, thị trấn và cán bộ chuyên môn tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Phân công cán bộ về từng thôn, bản để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở và người dân thực hiện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản, đặc biệt là bảo vệ cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, hoa… phục vụ Tết Nguyên đán, diện tích mạ mới gieo và đàn trâu, bò, thủy sản. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản, diện tích mạ đã gieo bị chết do nguyên nhân chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc phòng, chống rét.
Đồng thời, chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho những hộ gia đình có vật nuôi, cây trồng, thủy sản bị thiệt hại do rét gây ra theo quy định của tỉnh, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Đối với Sở Giáo và Đào tạo chỉ đạo các trường THPT, phòng giáo dục của các địa phương chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh các cấp; nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc phải mặc đồng phục vào những ngày quá rét; không tổ chức các hoạt động ngoài trời khi rét đậm, rét hại. Các trường bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú phải tăng cường các biện pháp giữ ấm, chăm sóc, phục vụ học sinh.
Còn Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. Nơi chờ khám, các phòng khám bệnh, buồng điều trị cho người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám và điều trị tại bệnh viện. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo các chi cục, trung tâm chuyên ngành và các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy hải sản trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là có biện pháp phòng, chống rét đảm bảo an toàn cho đàn giống, đàn gia súc, sản xuất giống và vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Giao các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo chủ trì hướng dẫn và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người và cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đồng thời, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết; phổ biến các biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống rét có hiệu quả đã được người dân áp dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình về UBND tỉnh.