Theo đó, phạm vị lập đồ án quy hoạch này thuộc một phần ranh giới xã Bình Thạnh và xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (thuộc Khu kinh tế Dung Quất), có giới cận phía Bắc giáp Đồn biên phòng Bình Đông và tuyến đường Dốc Sỏi – Cảng Dung Quất; Nam giáp cầu Trì Bình – Sông Trà Bồng; Đông giáp sông Trà Bồng và phía Tây giáp Khu dân cư Tây Sông Trà Bồng.
Khu neo đậu Sa Cần có diện tích 96,46ha, trong đó phần diện tích trên bờ 17,48ha, phần diện tích mặt nước 78,98ha. Chiều dài dọc bờ sông khoảng 1.500m, chiều rộng trung bình khoảng 179m; công suất tàu lớn nhất cập cảng 400CV, với lượng tàu neo đậu 800 tàu, lượng hàng thủy sản 100.000 tấn/năm và giải quyết lao động thường trực trên 1.000 người.
Đây là một khu neo đậu tránh trú bão, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền kết hợp hậu cần nghề cá, nhằm hình thành cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển ngành thủy sản vùng. Ngoài ra, còn để phục vụ cho việc neo đậu tàu thuyền của người dân tại khu vực quy hoạch chi tiết xây dựng khu bến cảng Dung Quất 1.
Phần lớn các khu neo đậu tàu thuyền ở Quảng Ngãi đều quá tải |
Hiện tại, phần lớn các khu neo trú tàu thuyền ở Quảng Ngãi đều xây dựng đã quá lâu, hầu hết đã xuống cấp, chỉ đáp ứng được việc neo đậu cho các tàu thuyền có công suất nhỏ. Tổng năng lực thiết kế cho tàu thuyền neo đậu tại các cảng do Sở NN&PTNT tỉnh quản lý là 1.750 chiếc, trong khi đó, số lượng tàu cá thường xuyên hoạt động và nhu cầu neo đậu tại các cảng khoảng 3.500 chiếc.
Bên cạnh đó, luồng vào cảng qua thời gian sử dụng bị bồi lấp dần, làm cho tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn, đặc biệt trong những ngày có sóng to gió lớn.
Ông Phùng Đình Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2018, sản lượng khai thác của ngư dân Quảng Ngãi trên 234 nghìn tấn. Song sản lượng thủy sản qua cảng ở địa phương thấp hơn 15 nghìn tấn/năm. Bồi lấp cửa biển, tàu cá không về còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) để tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.