Sau gần chục năm trời ngâm dự án, tỉnh Quảng Ngãi mới đây hối hả cho công tác khởi động lại dự án khi đã thay đổi từ con số 60 tỉ lên 1.500 tỉ mà công tác đánh giá tác động môi trường còn cần nhiều phân tích.
Mới đây nhất, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã có bàn thảo về vấn đề này trong một cuộc họp. Theo đó, cơ quan này cho biết: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đã thông qua hội đồng thẩm định và thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014”.
“Trường hợp Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho rằng ĐTM đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có nhiều thiếu sót, đề nghị Hội Nghề cá có văn bản gửi UBND tỉnh phản ánh những thiếu sót của ĐTM để UBND tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết thì HĐND tỉnh sẽ giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”- Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông tin.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy bản báo cáo ĐTM dự án này tuy đã đề cập đến việc “đánh giá hiện trạng tài nguyên sinh vật” (trang 69, mục 2.1.5.) nhưng nội dung thực hiện nêu rõ là “lấy mẫu vi sinh vật nhằm phân tích hiện trạng vi sinh vật trên sông Trà Khúc đoạn qua thành phố Quảng Ngãi”.
“Việc chỉ thực hiện nội dung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng vi sinh vật như nói trên là chưa đầy đủ, chưa đánh giá được tác động, ảnh hưởng của dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đến toàn bộ môi trường sinh sản, sinh trưởng tự nhiên, đến quá trình đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh các giống loài thủy đặc sản nước ngọt, nước lợ từ hạ lưu chân đập Thạch Nham đến vùng nước cửa Đại của nhân dân địa phương”, phân tích của Hội Nghề cá cho hay.
Theo đó, vào ngày 7/6/2019, Hội Nghề cá đã có văn bản gửi lên UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư dự án bổ sung thêm nội dung ĐTM của dự án đối với môi trường sinh sản, sinh trưởng tự nhiên của nguồn lợi thủy sản và đời sống của một bộ phận dân cư hành nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh các giống loài thủy sản nước ngọt, nước lợ hai bên bờ sông Trà Khúc đoạn từ hạ lưu chân đập Thạch Nham đến vùng nước lợ cửa Đại.
Từ đó, yêu cầu chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn đề xuất những giải pháp công trình hoặc phi công trình nhằm hạn chế, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực (nếu có) của dự án trong quá trình thi công và vận hành sau khi hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả tối ưu của dự án.
Liên quan đến kiến nghị của Hội Nghề cá, ông Hà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho rằng trong ĐTM đã đề cập rồi. “Cá thì sống trong môi trường nước. Hiện sông Trà Khúc chỉ có nước trong những lạch rất nhỏ nên khi làm đập dâng thì nước nhiều lên thì cá sống tốt hơn”, ông Phương nói và cho biết những thắc mắc về cộng đồng dân cư có cuộc sống liên quan sông Trà Khúc đã được đề cập trong ĐTM.
Theo ông Phương, trong quá trình làm có những điểm này điểm kia sẽ khắc phục, các số liệu tính toán đầu vào đầu ra đã rất kỹ lưỡng. “Khi nhận được văn bản của Hội Nghề cá chúng tôi sẽ có văn bản phản hồi. Những nội dung nào họ nói có lý thì chúng tôi sẽ tiếp thu và cập nhật vào ĐTM”- ông Phương nói.
Liên quan những thắc mắc về việc dự án đang có nhiều góp ý nhưng lại ấn định khởi công vào đầu tháng 7/2019, ông Phương cho hay: “Có thể chúng tôi khởi công sau tháng 7 hoặc tháng 8 cũng không vấn đề gì. Nhưng đây là công trình lớn được Đảng bộ và nhân dân kỳ vọng từ nhiều năm nay nên cũng muốn nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh để khởi công. Nhưng đó chỉ là kế hoạch vì chúng tôi còn phải đấu thầu, chấm thầu, lựa chọn nhà thầu”.
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được giới thiệu có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2021. Vị trí dự kiến xây dựng tại xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km nằm về phía hạ lưu.
Mục tiêu của dự án nhằm dâng nước tạo cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường cho thành phố Quảng Ngãi; đồng thời khai thác quỹ đất phát triển đô thị đảo Ngọc tại xã Tịnh An nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phát triển giao thông đường thủy, đường bộ, làm cầu nối hai bên bờ sông với đảo Ngọc, phát triển các đường giao thông trong mạng lưới giao thông đô thị thành phố, tạo điều kiện kết nối giao thông thuận lợi giữa khu đô thị hiện hữu với khu đô thị đảo Ngọc trong tương lai.