Hàng chục năm nay người dân xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi phải luôn phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của các nhà máy trong KCN Tịnh Phong. Hàng ngày, nước thải, khói bụi xả trực tiếp ra môi trường khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, sản xuất ngưng trệ do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước thải từ Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi (thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) xả thẳng suối Bản Thuyền. Ngày trước, con suối này là nơi sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, từ ngày Nhà máy đi vào hoạt động, với lượng nước thải khổng lồ mỗi ngày ra suối đã làm cho suối Bản Thuyền bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều diện tích đất của bà con bỏ hoang không sản xuất được. Nguồn nước từ kênh, suối đều bốc mùi hôi thối, không ai dám sử dụng.
“Vào những ngày nắng nóng mùi hôi bốc lên, chịu không nổi. Dân đi ngang qua QL1A thấy chỗ nào hôi nhất là thôn Thế Long. Dân ở đây sử dụng nước giếng nhưng nước đã nhiễm phèn và bị ô nhiễm, không thể uống được nhưng cũng chưa có nước sạch. Tôi yêu cầu giải quyết vấn đề môi trường cho trong lành”- ông Nguyễn Dõng, thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh bức xúc.
Không riêng gì Nhà máy sản xuất tinh bột mỳ Quảng Ngãi, nhiều năm qua, người dân xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh còn phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy sản xuất trong KCN Tịnh Phong. Nhà máy nhựa Đồng Khánh, Xí nghiệp Puzơlan nằm gần trường học, khu dân cư, khi hoạt động, thải lượng khói bụi lớn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và học sinh. Ngoài ra, nước thải từ Cụm làng nghề Tịnh Ấn Tây xả thải trực tiếp ra kênh Diệp Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, gây mùi hôi thối, ô nhiễm nặng nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân…
Sống triền miền trong ô nhiễm, thế nhưng, điều người dân Tịnh Phong lo lắng nhất hiện nay là kho thuốc bảo vệ thực vật Dốc Trạm nằm sát trong khu dân cư. Bà con sống quanh kho thuốc phải đóng kín các cửa chính, cửa sổ thế nhưng vẫn không thể nào thoát cảnh phải ngửi mùi hôi. Theo người dân địa phương, xung quanh khu vực này có nhiều người bị ung thư nghi do chất độc từ kho thuốc bảo vệ thực vật đã thấm xuống dưới lòng đất làm ô nhiễm giếng nước.
“Năm nào cũng đưa ra họp dân, kiến nghị di dời kho thuốc. Không biết bao nhiêu đoàn về lấy mẫu nước, mẫu đất rồi đi mà cái kho vẫn nằm nguyên ở đó. Trong khi hàng ngày người lớn, con nít khu vực này đều phải ăn, uống và hít không khí ô nhiễm”- Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Thế Long, xã Tịnh Phong bức xúc.
Ông Nguyễn Hải Kiên- Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn có nhiều nhà máy hoạt động, trong đó có Nhà máy tinh bột mỳ thường xuyên gây ô nhiễm. Đây là điểm nóng gây ô nhiễm môi trường thuộc diện di dời giải tỏa nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Xã đã nhiều lần kiến nghị tỉnh sớm di dời nhà máy tinh bột cũng như việc khắc phục ô nhiễm môi trường từ kho thuốc bảo vệ thực vật nhưng tỉnh vẫn chưa có hướng xử lý.
“Người dân Tịnh Phong chủ yếu sử dụng nước ngầm thế nhưng nguồn nước đã ô nhiễm do các KCN là điều không thể tránh khỏi. Xã đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là công ty cấp nước phải cấp nước sạch về cho người dân. Hiện nay, chỉ mới bước đầu khảo sát để xây dựng trạm cấp nước sạch nên vẫn phải chờ. Xã chỉ kiến nghị chứ không đủ năng lực để giải quyết”- ông Nguyễn Hải Kiên cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Minh Lễ- Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lãnh đạo tỉnh chủ trương di dời Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, do Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm làm chủ đầu tư ra khỏi vị trí hiện tại. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc nên đến nay, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất phương án di dời nhà máy.
Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri xã Tịnh Phong, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đi thực tế và ghi nhận những bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Đồng thời, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo tỉnh nên có chủ trương về lựa chọn nhà đầu tư, không chọn những nhà đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Giải quyết căn cơ, rốt ráo những vấn đề môi trường địa phương đang đối mặt; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, với cách vào cuộc, xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN, cụm CN như Quảng Ngãi như hiện nay thì người dân Sơn Tịnh vẫn còn phải gồng mình gánh chịu ô nhiễm không biết đến bao giờ?!