Hệ thống nước sinh hoạt tại huyện miền núi Tây Trà bị hư hỏng nhiều năm nay, người dân không được hưởng lợi |
Khát bên công trình nước sạch
Mặc dù đều có hệ thống ống dẫn nước từ công trình nước sạch đến tận nhà nhưng hàng chục hộ dân ở đội 6, thôn Gò Rô, xã Trà Phong vẫn phải chạy nước từng ngày. Hàng ngày, các hộ dân có nhà trên dốc cao phải dùng can nhựa xuống những nhà phía dưới, gần đường lớn để xin nước về dùng. Thậm chí, có khi nhà dưới thấp cũng không đủ nước để xin. Bà con phải sử dụng nước sông, suối. Nguyên nhân là do hệ thống bể chứa cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đã xuống cấp, không đủ khả năng cung cấp nước cho người dân. Bà Hồ Thị Xinh, người dân thôn Gò Rô, xã Trà Phong, huyện Tây Trà than thở, có công trình nước sạch nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng, người dân ở đây phải đi kiếm nước rất vất vả.
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Trà, hiện tại các hộ dân khu vực trung tâm huyện đang được sử dụng 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, gồm hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm cụm xã Trà Phong và hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Tây Trà. Đến nay, các công trình này đều đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.
Không chỉ riêng công trình nước sinh hoạt Gò Rô hoạt động kém hiệu quả, theo thống kê, trên địa bàn huyện Tây Trà hiện có 24 công trình nước sạch bỏ hoang hoặc hư hỏng nghiêm trọng. Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân sống ở những khu vực này nhiều lần kiến nghị với ngành chức năng cần nhanh chóng sửa chữa các công trình, vì nhu cầu dùng nước sinh hoạt của bà con rất bức thiết. Hơn nữa, nếu để tình trạng này kéo dài thì mức độ hư hỏng của công trình cũng ngày một nặng thêm.
Còn tại huyện miền núi Minh Long hiện có 33 công trình nước sinh hoạt. Tính ra mỗi xã được đầu tư xây dựng từ 5 đến 7 công trình nước sạch. Thế nhưng từ nhiều năm nay, gần 300 hộ dân ở thôn Hạ Liệt, xã Long Hiệp, nơi chỉ cách Trung tâm huyện chừng hơn 1 cây số vẫn luôn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Lê Minh Chí- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện chỉ có một số ít công trình hoạt động bình thường, còn lại hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không sử dụng được.
“Ở huyện có một số địa bàn như trung tâm xã Long Hiệp có nước từ thác Trắng về nhưng mà đường ống thì mới phục vụ được các tuyến ống chính dọc đường, còn khu vực đồng bào như thôn Lộc Xuyên và thôn Hạ Liệt, bà con năm nào cũng đề nghị làm công trình nước sinh hoạt nhưng qua khảo sát bà con nằm ven sườn đồi nên thì không có nguồn nước, suối thì lưu vực nhỏ nên mùa nắng thì cạn kiệt. Huyện dự kiến đầu tư nước phân tán, hỗ trợ cho bà con khoảng 3 triệu đồng rồi bà con bỏ thêm vô đóng giếng”- ông Lê Minh Chí nói.
Hàng trăm công trình nước sạch khi đưa vào vận hành, sử dụng thì không ai bảo vệ, quản lý nên hư hỏng gây lãng phí |
Nâng cao hiệu quả quản lý
Theo ông Lê Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi, các công trình nước không phát huy hiệu quả có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cơ chế, vận hành quản lý. “Vấn đề là hàng trăm công trình nước sạch được đầu tư khá chất lượng, đảm bảo đúng quy định, nhưng khi đưa vào vận hành, sử dụng thì không ai bảo vệ, quản lý, nhất là ở các địa phương miền núi”- ông Minh cho biết.
Theo thống kê của Trung tâm, để đảm bảo các công trình hoạt động trở lại theo thiết kế ban đầu của 211 công trình hư hỏng, các huyện, thành phố đề xuất số tiền lên đến gần 142 tỷ đồng. Trong đó, Tây Trà xin hỗ trợ 14,6 tỷ đồng để khắc phục 44 công trình; Ba Tơ 17,8 tỷ đồng khắc phục 29 công trình; Sơn Hà 13,7 tỷ để khắc phục 20 công trình; Sơn Tây xin 22,8 tỷ đồng để “cứu” 38 công trình... Một số tiền không hề nhỏ mà mục đích bỏ ra chỉ để “chữa bệnh” cho cơ chế lãng phí không quản lý, vận hành tốt công trình sau hoàn thiện.
Ông Lê Văn Minh cho biết, địa phương đang rà soát phân bổ ngân sách của địa phương sớm khắc phục, sửa chữa các công trình nước đã hư hỏng, ngưng hoạt động phục vụ nước sạch cho người dân khi mùa nắng nóng sắp đến. Đồng thời cũng xem xét mở rộng các công trình nước hiện hữu để cung cấp nước sạch cho dân. Ngoài ra cũng phải xem xét lại cách quản lý các công trình nước để có phương án bảo quản tốt nhất, tránh tình trạng cha chung không ai khóc như lâu nay.
“Để phát huy hiệu quả, các chủ đầu tư khi lập dự án phải có định hướng trong việc quản lý, vận hành. Đồng thời phải lập tổ quản lý thu tiền nước trong dân, dù số tiền không lớn, nhưng đó là nguồn kinh phí để khi công trình bị hư hỏng nhỏ thì khắc phục. Hầu hết công trình hư hỏng không phải quá khó, mà chủ yếu là hư hỏng nhỏ, nhưng không được sửa chữa kịp thời, bỏ hoang rồi hư hỏng nặng”- ông Minh đề xuất.
Bài & ảnh:Lan Anh