Xã Ba Giang là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở núi nguy hiểm vào mùa mưa bão, đặc biệt là tại khu vực núi Voang Mo Ơn. Theo lời của già làng nơi đây kể lại, vào một đêm của mùa mưa bão năm 2013, sau một tiếng nổ ở đoạn giữa của núi Voang Mo Ơn xuất hiện một vết nứt dọc. Ngay dưới chân ngọn núi này, ngoài gần 10 gia đình, trạm y tế và trụ sở UBND xã còn có trường Bán trú Ba Giang, với hơn 200 học sinh và giáo viên.
Theo thầy Phạm Tiến Dũng- Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Ba Giang, trường nằm ngay chân và vết núi nứt nằm ngay trên đầu cho nên nếu chẳng may xảy ra sạt lở, toàn bộ ngôi trường sẽ bị vùi lấp. Suốt mấy năm qua, thầy và trò của trường luôn nơm nớp lo sợ núi vùi. Vào những ngày mưa lớn, để bảo đảm tính mạng cho thầy và trò trường phải cho tạm nghỉ.
“Năm 2017, lãnh đạo trường đã tham gia khảo sát vết nứt trên núi Voang Mo Ơn. Vết nứt dài trên sườn núi nếu gây sạt lở chắn chắc sẽ vùi lấp toàn bộ ngôi trường. Giáo viên và học sinh luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa lớn”- thầy Dũng nói.
Theo thầy Dũng, sau mưa bão số 9 vừa qua, hiện tượng sạt lở vẫn tiếp diễn, một số đất đá dưới chân núi đã sạt lở gây hư hỏng hàng rào của trường học khoảng 15m. Vì khối lượng đất đá phía sau trường là rất lớn nên việc đảm bảo học tập, giảng dạy vào mùa mưa gặp khó khăn. Nhà trường luôn chủ động theo dõi diễn biến mưa lũ và kiểm tra tình hình sạt lở để kịp thời di chuyển học sinh khi có mưa lớn. Tuy nhiên, sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho hàng trăm học sinh.
“Tình trạng sạt lở núi tại xã Ba Giang thường xuyên xảy ra. Vì vậy, nhà trường mong muốn được quan tâm di dời đến địa điểm mới đảm bảo an toàn cho học sinh”- thầy Dũng nói.
Ông Trần Thanh Hoài- Chủ tịch UBND xã Ba Giang xác nhận, UBND huyện Ba Tơ đã thuê đơn vị chuyên môn khảo sát các vết nứt trên núi Voang Mo Ơn. Kết quả khảo sát cho thấy những vết nứt trên sườn núi rất nguy hiểm. Nếu những vết nứt này gây sạt trượt đất thì toàn bộ Trung tâm hành chính xã Ba Giang, trong đó có điểm trường TH&THCS Ba Giang sẽ bị vùi lấp hoàn toàn.
Cũng theo ông Hoài, đoàn khảo sát cũng phát hiện đỉnh núi có 1 tảng đá lộ thiên, đặc biệt có một tảng đá lớn dài khoảng 5m, cao gần 3m được gối đầu trên các tảng đá nhỏ và một đầu gối vào gốc cây Chò đã chết, nguy cơ sạt lở xuống các công trình dưới chân núi rất lớn. Tại núi, nhiều mạch nước ngầm sau các đợt mưa chảy ra từ trong hốc núi, khi mưa lớn kèm theo sẽ có nguy cơ sạt lở tiếp và khả năng đổ lấp vào trụ sở ủy ban xã do hiện tại UBND xã, trường TH&THCS Ba Giang, Trạm Y tế xã đều nằm một bên chân núi trên.
“Hiện vết nứt đã kéo dài trên 100m, với bề rộng từ 0,1-0,5m. Để tránh hiểm họa, giải pháp duy nhất là di dời toàn bộ trường, trạm y tế và trụ sở UBND xã cùng hàng chục hộ dân đi đến nơi khác. Tuy nhiên, khái toán kinh phí di dời lên đến 112 tỷ đồng.Trong khi chờ đợi quyết định từ cấp thẩm quyền huyện, tỉnh mỗi khi có mưa lớn, bão chính quyền địa phương tạm thời chỉ đạo cho giáo viên, học sinh và cán bộ của xã tạm nghỉ. Xã Ba Giang rất mong có giải pháp để di dời các công trình, nhà dân tránh vết nứt núi đang diễn ra ngày càng nhanh.”- ông Hoài cho biết.