Xã hội

Quảng Ngãi: Đồng bào Cor thoát nghèo nhờ giữ rừng chè trăm tuổi

Võ Hà 08/07/2024 - 17:10

Hàng trăm héc-ta chè trăm tuổi trong các bản làng vùng cao huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đang được chính quyền và người dân chăm sóc, giữ gìn vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế bền vững.

Kho báu trên đỉnh Cà Đam

Nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển, những đồi chè Trà Nham trên dãy núi Cà Đam hùng vĩ, thuộc xã Hương Trà (Trà Bồng) được ví như kho báu của người Cor nơi đây. Chè được trồng thành rừng, có những cây cổ thụ bằng cả người ôm và khai thác bằng cách bẻ cành. Chè xanh Trà Nham là chè sạch, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Chè ở đây còn được mệnh danh là chè Shan Tuyết của Trà Bồng- loại trà thơm ngon vào loại bậc nhất, thường mọc trên núi cao và thường thấy ở những nơi có độ cao hơn 1.200m trở lên, nằm ở các tỉnh phía Bắc, quanh năm mây mù bao phủ.

che-1.jpg
Đồng bào Cor ở xã Hương Trà, huyện Trà Bồng đang thu hoạch chè bẻ cành

Còn với người Cor ở vùng đất Hương Trà, những đồi chè cổ thụ này chính là niềm tự hào và luôn được gìn giữ như “báu vật” vì đã mang lại sinh kế cho họ từ bao đời nay. Ở vùng chè này, cây ít nhất vài chục tuổi, nhiều tuổi cũng thuộc hàng trăm năm.

“Từ khi tôi sinh ra đã thấy cây chè hiện diện trên đồi núi 2 thôn Trà Huynh và Trà Vân, nhiều không đếm xuể. Chè cổ thụ được mặc định là tài sản chung mà Giàng để lại, chẳng phân định của riêng ai nên dân làng không dám chặt phá. Để rồi, từ những hạt giống khô trên đỉnh núi rơi xuống, mọc lên những rừng chè tươi tốt, phủ xanh núi rừng Cà Đam.

che-4.jpg
Chè Trà Nham là cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói giảm nghèo ở xã Hương Trà, huyện vùng cao Trà Bồng

Xã Hương Trà là xã vùng cao duy nhất ở Trà Bồng phát triển được cây chè, tập trung nhiều ở thôn Trà Huynh và Trà Vân. Ban đầu, vùng này chỉ đủ khai thác để uống và sử dụng cho các gia đình ở các thôn và vùng lân cận. Dần dà, khi người tiêu dùng ngày càng hướng về các sản phẩm thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, chè bẻ cành Trà Nham ngày càng được tiêu thụ mạnh hơn. Đặc biệt là khi sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo những chuyến xe, bình quân mỗi ngày có vài tạ chè xanh được vận chuyển về miền xuôi để tiêu thụ.

Đã từng có những nghiên cứu khoa học về cây chè trên dãy Cà Đam cho thấy do điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, chè trồng ở đây khác biệt so với chè trồng ở nơi khác. Ngay cả ở các xã vùng cao khác và xã gần đó, chè cũng không ngon bằng. Hương vị thanh, nhẹ, màu sắc sóng nhánh như mật ong nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Hồ Thị Lan, xã Hương Trà cho biết, trung bình mỗi héc-ta chè ở Trà Vân có thể cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Cùng với cây quế, cây chè là một trong những cây phát triển kinh tế chủ lực ở địa phương, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, có nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống kinh tế hằng ngày, dành dụm nuôi con ăn học.

“Cây chè không chỉ được sử dụng làm thức uống mà còn có thu nhập cho gia đình. Một ngày 6 bó cũng kiếm được 240 nghìn đồng. Cuộc sống cũng đủ ăn, cũng lo được cho con, bánh kẹo, sữa”, chị Hồ Thị Lan, xã Hương Trà chia sẻ.

Phát triển bền vững cây chè

Lợi thế của vùng chè Trà Nham là được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát lạnh quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp. Đồng thời, trồng chè không tốn nhiều thời gian chăm sóc, hạn chế được thuốc trừ sâu, phân bón nên chi phí đầu tư thấp. Do đó, cùng với cây quế, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương với khoảng hơn 100ha.

che-3.jpg
Những cây chè trăm năm tuổi ở núi Cà Đam được gìn giữ

Trong mấy năm qua, địa phương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè lên hàng chục héc-ta, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai khỏi sạt lở. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân không được tự ý đào, bứng những gốc chè cổ để bán cho giới chơi cây cảnh (giá hàng chục triệu đồng/cây). Nhờ vậy, rừng chè cổ mới còn giữ được đến ngày nay.

“Địa phương kêu gọi người dân ổn định vùng chè. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tiến hành quy hoạch vùng chè, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư và có hướng liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây chè. Cây chè Trà Nham đã có thương hiệu, việc cần làm bây giờ là đưa sản phẩm đến những thị trường rộng hơn”, Bí thư Đảng ủy xã Hương Trà Hồ Thị Hưng bày tỏ.

Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Nham đang có định hướng phát triển nhà máy chế biến và sản xuất các sản phẩm chè sau chế biến tại xã Hương Trà. Để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, HTX khi đầu tư vào vùng chè, địa phương đã có định hướng quy hoạch, mở rộng vùng chè từ khoảng 100ha lên 150ha, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu.

Ông Lê Đình Ái, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Nham, huyện Trà Bồng cho hay: “Giải pháp trước mắt là đưa vào sản xuất các sản phẩm sau chế biến để đưa ra thị trường, hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè, nâng cao năng suất, sản xuất những sản phẩm cao cấp hơn”.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng cho biết, cây chè hiện nay đánh giá qua sản lượng, một năm thu hoạch chừng 300 tấn, giá bán còn rẻ. Huyện cũng thu hút các doanh nghiệp để về đầu tư, hình thành các sản phẩm sau chế biến. Hiện nay, đã có doanh nghiệp tư nhân thấy được tiềm năng lợi thế, chiết suất từ lá chè và cũng đưa ra những định hướng phát triển các sản phẩm.

che4.jpg
Người lớn tuổi trong làng kể lại cây chè gắn bó với đồng bào Cor

Ở nơi non cao, đồng bào Cor đang ra sức giữ gìn rừng quế, rừng chè. Họ vẫn luôn kỳ vọng, mai này cây chè sẽ được đánh thức hết tiềm năng mở hướng thoát nghèo cho cộng đồng người Cor– những người con sống dựa vào Mẹ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Đồng bào Cor thoát nghèo nhờ giữ rừng chè trăm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO