Thời gian qua, công tác xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, các địa phương đã xóa bỏ 242/249 lò (đạt 97,2%), chỉ còn 7 lò đang hoạt động (2,8%).
Để xóa bỏ dứt điểm lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, UBND thành phố Quảng Ngãi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về xóa bỏ các lò gạch thủ công để xóa bỏ dứt điểm các lò gạch thủ công, lò đứng liên tục và lò vòng trên địa bàn.
Quảng Ngãi còn 7 lò gạch thủ công đang hoạt động, gây ô nhiễm môi trường |
Đối với các huyện, thị xã còn lại tổ chức vận động các chủ lò gạch thủ công đã dừng hoạt động nhưng chưa tháo dỡ, thực hiện việc tháo dỡ để đảm bảo an toàn và môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với các đơn vị sản xuất gạch lò đứng liên tục và lò vòng để điều chỉnh mục đích sử dụng đất đã thuê sản xuất gạch nung sang mục đích sử dụng khác. Trong trường hợp đơn vị không có nhu cầu điều chỉnh mục đích sử dụng đất, tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hợp đồng thuê đất theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) trước ngày 30/11/2020.
Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện vận chuyển đất sét trái phép cung cấp cho các lò vòng, lò đứng liên tục.
Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có nhiều lò gạch thủ công, tập trung nhiều ở huyện Tư Nghĩa. Những năm qua, chính quyền địa phương trung nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân để từng bước xóa bỏ lò gạch thủ công. Đồng thời, các địa phương đã có kế hoạch phối hợp với một số doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho số lao động trẻ sau khi xóa bỏ các lò gạch thủ công. Với những lao động lớn tuổi, hỗ trợ vay vốn để sản xuất nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.