Theo đó để hạn chế ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến vàng gốc, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án khai thác, tận thu mới phải sử dụng công nghệ tuyển trọng lực, vi sinh hoặc nung luyện nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, không được sử dụng công nghệ ngâm chiết bằng tác nhân xyanua, thioure hoặc các hóa chất có thành phần nguy hại khác.
Hoạt động tách vàng bằng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường |
Đối với các dự án khai thác, tận thu đã được cấp phép nhưng chưa hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ mà sử dụng công nghệ ngâm chiết bằng tác nhân xyanua, thioure, phải điều chỉnh sang công nghệ tuyển trọng lực, vi sinh hoặc nung luyện trình phê duyệt trước khi đi vào hoạt động.
Đối với những dự án đã đi vào hoạt động sử dụng công nghệ ngâm chiết bằng tác nhân xyanua và thioure, UBND tỉnh yêu cầu xây dựng lộ trình chuyển đổi sang công nghệ tuyển trọng lực, vi sinh hoặc nung luyện trong thời gian không quá 18 tháng, hoàn thành trước ngày 31/3/2023.
Dòng sông Quế Phương ở Quảng Nam bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng |
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phổ biến quy định này cho tất cả chủ đầu tư các dự án khai thác, tận thu vàng gốc thuộc đối tượng nêu trên biết và chấp hành; đồng thời, khẩn trương hướng dẫn thủ tục chuyển đổi công nghệ và tích cực phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp.
Đối với dự án đầu tư khai thác và chế biến vàng gốc tại khu vực bãi Quế (thôn 8, xã Phước Hiệp, Phước Sơn) của Công ty TNHH MTV Hữu Minh và dự án đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản vàng gốc tại khu vực thôn 4 (xã Phước Hiệp) của Công ty TNHH Nam Mai, UBND tỉnh yêu cầu lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo công nghệ nêu trên trước khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.