(TN&MT) - Sau hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh để triển khai vào đầu năm 2019.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành, địa phương liên quan đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy các lực lượng quản lý bảo vệ rừng; công tác giao khoán bảo vệ rừng, trên cơ sở đó xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn 6 huyện miền núi cao theo hướng quản lý bảo vệ rừng theo ranh giới hành chính cấp huyện.
Ông Đinh Văn Thu yêu cầu tách các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý theo lưu vực, liên huyện hiện nay thành các Ban quản lý theo từng huyện, trực thuộc UBND huyện (có thể giao quản lý thêm các diện tích rừng tự nhiên khác trên địa bàn huyện hiện nay do UBND xã quản lý; bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển rừng bền vững trên địa bàn huyện theo Quyết định 886/QĐ-TTg này 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Đồng thời, tổ chức lại các Hạt kiểm lâm trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức 1 Hạt kiểm lâm, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Trưởng Ban quản lý rừng độc lập với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và PTNT.
Bố trí đủ ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn (những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn có thể bố trí tăng thêm kiểm lâm địa bàn). Kiểm lâm địa bàn thuộc biên chế của Hạt Kiểm lâm nhưng biệt phái về làm việc tại UBND xã, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã.
UBND tỉnh còn yêu cầu thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng từ nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng thôn, bản. Cộng đồng thôn, bản xây dựng hương ước về bảo vệ rừng, phát huy vai trò người có uy tín và thành lập các Đội tuần tra bảo vệ rừng gồm những người đủ sức khỏe, có tâm huyết, hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng, có trang phục, phương tiện, công cụ thống nhất. Kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ lâm nghiệp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc, tham gia tuần tra và đánh giá hiệu quả công việc của các Đội tuần tra. Khu vực có sự chưa thống nhất giữa ranh giới hành chính với ranh giới truyền thống thì giao khoán bảo vệ rừng theo ranh giới truyền thống. Trường hợp giữa hai huyện thì Hạt kiểm lâm của huyện có cộng đồng được giao khoán chịu trách nhiệm thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên diện tích này.
Đề án hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 10/2018 để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để phê duyệt và tổ chức triển khai từ đầu năm 2019.
Trước mắt, giao UBND huyện Nam Giang chủ trì xây dựng Phương án tổ chức lại bộ máy, công tác quản lý, bảo vệ rừng theo nội dung trên để tổ chức làm điểm trên địa bàn huyện; lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Nội vụ để hoàn chỉnh, thống nhất với Ban Thường vụ Huyện ủy, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/5/2018 để xem xét, thông qua và triển khai làm điểm từ tháng 6/2018.
Như Báo TN&MT thông tin, chỉ trong tháng 3, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện liên tiếp 3 vụ phá rừng quy mô lớn tại 2 huyện Đông Giang và huyện Nam Giang, gây thiệt hại gần 400m3 gỗ. Cụ thể,vụ chặt phá 33 cây rừng già ở rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang, gây thiệt hại là 45,6 m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường là 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852 m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299 m3. Tiếp đến là vụ phá rừng lim hàng trăm năm tuổi ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Qua kiểm tra phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang. Trong đó, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111 m3; trong đó gỗ Lim xanh 223,121 m3 và gỗ Xoan đào 11,990 m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường 125,909 m3 gỗ tròn và 3,949 m3 gỗ xẻ.
Trước sự việc nghiêm trọng này, ông Phan Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết đã ký các quyết định đình chỉ công tác nửa tháng đối với 6 cán bộ kiểm lâm địa bàn Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và Nam Sông Bung.