Thời gian gần đây, Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được phản ánh của người dân thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam về việc xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực Gò Cây Cốc. Mỗi ngày có nhiều lượt xe vận chuyển đất đi bán san lấp mặt bằng, nhưng chính quyền địa phương lại không hề ngăn chặn, xử lý.
Việc khai thác đất và chở đi ra khỏi khu vực Gò Cây Cốc được thực hiện rất "rầm rộ" |
Để xác minh thông tin, ngày 11/1/2020, PV có mặt tại thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc tìm hiểu, cho thấy một quả đồi phía sau cơ sở kinh doanh Mộc Hương Quán của bà Nguyễn Thị Hồng Diễm đang được đào, múc với diện tích lớn. Tại đây có 01 máy múc đang đục khoét khu vực chân đồi, sau đó các xe tải đua nhau vào lấy đất và chở thẳng vào đổ san lấp tại công trình Khu tái định cư cho các hộ dân giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kv Quảng Trạch – Dốc Sỏi (viết tắt: Khu TĐC đường dây 500Kv), nằm ven tuyến đường ĐT609 (thuộc địa phân xã Đại Đồng). Khu đất bị lấy khoét sâu, nham nhở. Ước tính nhiều khối đất đã được vận chuyển trái phép.
Một số người dân thôn Lâm Tây cho biết, đất khai thác được các xe tải vận chuyển bán san lấp trái phép, mỗi ngày có nhiều lượt xe chở đất qua lại khu vực dân cư nhưng đơn vị thi công không tiến hành tưới nước, gây ô nhiễm môi trường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Sau khi "ăn đất" các xe xe tải “hổ vồ 4 chân” chở thẳng đất đi ra QL14B |
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ việc khai thác đất trái phép diễn ra ồ ạt giữa thanh thiên bạch nhật bởi lẽ ngày 7/1/2021, bà Lê Thị Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng đã ký văn bản đồng ý cho bà Nguyễn Thị Hồng Diễm dọn dẹp đất sạt lở và xử lý khoảng đất (đồi) nứt và yêu cầu nguồn đất dư thừa đổ vào bãi thải tại Cụm Công nghiệp Đại Đồng 2.
Tuy nhiên, không rõ chính quyền xã Đại Đồng có nắm rõ quy định của pháp luật hay cố tình phớt lờ các quy định trong công tác quản lý Nhà nước khi đồng ý cho bà Diễm dẹp đất sạt lở và xử lý khoảng đất (đồi) bị nứt nhưng không ghi rõ phạm vi, khối lượng đất và thời gian thực hiện (?). Bên cạnh đó, trong quá trình người dân tiến hành đào, múc đất, chính quyền xã cũng không bố trí cán bộ hướng dẫn giám sát thi công. Việc làm này khiến địa hình khu đất bị biến dạng, chân đồi bị mất, không còn khả năng kè mái taluy để phòng chống sạt lở theo như yêu cầu ban đầu của người dân.
Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Vĩ – Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết, bà Diễm đã có đơn gửi UBND xã xin múc đất đồi để phòng chống sạt lở. Qua kiểm tra của cán bộ xã thì hiện trạng khu đất bị sạt lở với chiều dài khoảng 5m, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 300m3. Căn cứ tình hình thực tế UBND xã Đại Đồng đã chấp thuận việc đào, múc đồi phía sau tường nhà bà Diễm nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của gia đình. Tuy nhiên, việc các hộ dân lợi dụng việc đào, múc đất này để khai thác trái phép đổ cho công trình xây dựng là hoàn toàn sai quy định.
“Địa phương đã yêu cầu các hộ dân này được múc đất khắc phục sạt lở và đổ vào bãi thải. Công an xã, địa chính xã đã vào nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định. Việc người dân khai thác đất chở bán cho công trình khu tái định cư là không thuộc thẩm quyền của xã. Tôi sẽ kiểm tra, xử lý việc khai thác đất trái phép, nếu có xảy ra sai phạm, sẽ yêu cầu dừng ngay”- bà Vĩ khẳng định.
Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Hồng Vĩ đã cùng cán bộ địa chính xã, công an xã kiểm tra thực tế theo phản ánh của phóng viên. Tại biên bản kiểm tra, UBND xã Đại Đồng xác định nguồn đất phía sau nhà bà Diễm đã chở đi không đúng với quy định. Đồng thời, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ việc khắc phục sạt lở để chờ cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Đất được lấy đi và đổ san lấp trái phép tại công trình Khu tái định cư cho các hộ dân giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kv Quảng Trạch – Dốc Sỏi |
Liên quan đến công trình Khu TĐC đường dây 500Kv, ông Trương Công Trái- Giám đốc Trung tâm Phát triển Qũy đất và Cụm công nghiệp huyện Đại Lộc cho biết: Dự án khu TĐC đường dây 500Kv do Trung tâm làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty Cổ phần 3T- Thương mai xây dựng, có trụ sở tại huyện Núi Thành (Quảng Nam). Tuy nhiên, hiện nay công trình đang tạm dừng thi công và Trung tâm cũng đã yêu cầu đơn vị thi công không được tiến hành san lấp. Ông Trương Công Trái cho biết cũng mới được biết sai phạm sau khi được xã báo cáo và cho rằng trách nhiệm hoàn thuộc về đơn vị thi công dự án.
Theo quy định của Luật Khoáng sản thì trong trường hợp này có phát sinh đất dôi dư cần vận chuyển đi nơi khác phải được cấp có thẩm quyền cấp phép. Rõ ràng, chính quyền xã Đại Đồng đã vượt thẩm quyền của UBND huyện, tự ý cho người dân múc, đào đất đồi, tạo điều kiện cho họ thông đồng với các doanh nghiệp thi công công trình, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, làm đồi núi biến dạng, xâm lấn khiến người dân bức xúc.
Việc làm biến dạng địa hình là hành vi hủy hoại đất, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là vi phạm Luật Đất đai, bị nghiêm cấm. Chính quyền xã Đại Đồng sẽ lý giải ra sao về việc vượt thẩm quyền cấp phép và chủ đầu tư có được “vô can” trong việc để người dân tự ý chở đất đi bán gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản quốc gia?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.