Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nghành nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm nhằm phục hưng lại làng nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời này.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam chỉ còn khoảng 11 ha dâu, chủ yếu tập trung tại một số xã của huyện Duy Xuyên như: Duy Hòa, Duy Châu, thị trấn Nam Phước, Duy Trinh với khoảng 30 hộ trồng dâu hoạt động với quy mô nhỏ lẻ. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn và không tốn quá nhiều công sức.
Trước kia, làng Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) có đến 80% người dân sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Những bãi bồi dọc sông Thu Bồn chính là vựa dâu xanh tốt giúp làng dâu tằm Đại Bình, Hương Quế nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, những năm gần đây đa số người nuôi tằm đành bỏ nghề để tìm sinh kế khác.
Đối với nghề dệt thổ cẩm, đây là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Việc khôi phục, duy trì và phát triển nghề này tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang. Hiện có 182 hộ với 262 lao động nữ là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ còn gặp nhiều khó khăn, nhỏ lẻ và manh mún.
Theo đó, ngày 25/1 tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia nghiên cứu, đại diện các làng nghề, nhà sản xuất, kinh doanh tơ lụa trong và ngoài tỉnh.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia nghiên cứu cũng đã khẳng định: Quảng Nam hoàn toàn có những tiềm năng, lợi thế về phát triển nghề dâu tằm, tơ lụa - thổ cẩm. Để khôi phục và duy trì phát triển bền vững nghề này, bên cạnh làm tốt công tác quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, mô hình trồng và chế biến nguyên liệu; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, người dân để tổ chức sản xuất hàng hóa; có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nghề. Vấn đề quyết định cho việc khôi phục và phát triển bền vững chính là sự ổn định về đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, Quảng Nam cần tập trung tìm giải pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Quảng Nam là vùng đất có bề dày truyền thống trong nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Trồng dâu nuôi tằm không đơn giản tạo nên hàng hóa phục vụ cho con người mà còn hàm chứa trong đó những giá trị về đời sống văn hóa, tinh thần, cốt cách của người dân xứ Quảng.
Tuy nhiên sau thời kỳ hưng thịnh, thị trường bấp bênh, do đó 2 làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, để lại nhiều tiếc nuối cho người dân xứ Quảng nói riêng cũng như cả nước nói chung. Để khôi phục, duy trì và phát triển bền vững nghề này là một quá trình lâu dài, cần có sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân để nghề này đem lại thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân. Hội thảo hôm nay chính là để tìm ra giải pháp lâu dài, nhằm phục hồi, phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa và thổ cẩm của Quảng Nam một cách bền vững.