(TN&MT) - Những vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, so chiếu với các quy định hiện hành để khơi thông nguồn lực đất đai.
Nhiều khó khăn
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai. Cụ thể, năm 2023, ngành đã hoàn thành công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 23.900 hồ sơ đất đai của tổ chức và hơn 112.000 hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân. Sở cũng đã hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá thực trạng và đang tiếp tục hoàn chỉnh Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2020 - 2021) tỉnh Quảng Nam theo đúng quy định.
Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các địa phương giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư, qua đó, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm như dự án đường liên kết vùng, dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700, dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.
Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý đất đai còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đạt tỷ lệ thấp, chất lượng chưa cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với hồ sơ quản lý đất đai của các địa phương. Tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 9 huyện miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2026 chưa đảm bảo tiến độ. Việc triển khai lập dự án cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2 (do UBND các địa phương làm chủ đầu tư) chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Bộ TN&MT, cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là trên các lĩnh vực đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, giá đất,... còn một số điểm chồng chéo, chưa rõ, chưa thật sự đồng bộ với các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở,... dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và sai sót trong công tác tham mưu, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan.
Mặt khác, lịch sử quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ còn nhiều tồn tại, hạn chế, phức tạp (Hồ sơ 299/TTg, đất công ích, đất chữ T,...), trong khi đó, pháp luật đất đai (thời điểm tương ứng) không có quy định hoặc quy định không rõ việc xử lý, giải quyết dẫn đến việc lúng túng trong đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Hồ sơ địa chính qua các thời kỳ chủ yếu dạng giấy, chưa được số hóa dẫn đến khó khăn trong quá trình khai thác, sử dụng.
Bên cạnh đó, khối lượng công việc trên lĩnh vực đất đai, nhất là tại Văn phòng đăng ký đất đai rất nhiều, tính chất phức tạp,... nhưng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động còn thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai.
Tập trung tháo gỡ
Xác định công tác đất đai có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để giúp cho công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Trong đó, phải nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành thực thi công vụ gắn với trách nhiệm nêu gương của từng cán bộ chủ chốt của Sở, của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, nhất là người đứng đầu các phòng - đơn vị trực thuộc Sở.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, Sở TN&MT sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tổng kết đánh giá, rà soát và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND-UBND tỉnh để triển khai các nội dung Luật Đất đai 2024 phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các quy định mới của Luật Đất đai 2024; phối hợp mở lớp đào tạo về công tác định giá đất cho đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố,...
Đồng thời, Sở tập trung rà soát, khắc phục các nội dung vi phạm, khuyết điểm được Đoàn Kiểm tra số 908 - UBKTTW chỉ ra, cùng những tồn tại hạn chế được các Đoàn Thanh tra, kiểm tra của Tỉnh ủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ ra trong năm 2023. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án lập cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2. Hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) tỉnh Quảng Nam; thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo tiến độ, thời gian quy định.
“Trong công tác giải quyết hồ sơ, TTHC trên lĩnh vực đất đai, cùng với tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở TN&MT sẽ thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Quảng Nam thành lập Tổ giám sát TTHC về đất đai để thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, đôn đốc giải quyết trong toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phối hợp giải quyết TTHC đất đai”, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết.