Quảng Nam: Thành lập Vườn quốc gia sông Thanh

Lan Anh - Phạm Yến| 24/12/2020 06:11

(TN&MT) - Sông Thanh là Vườn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 76 ngàn ha trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn - hai huyện miền núi phía Tây thuộc khu vực biên giới Việt - Lào; phía Nam giáp tỉnh Kon Tum.

Ngày 23/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn Quốc Gia sông Thanh.

Vườn quốc gia sông Thanh rộng hơn 76.660 ha nằm trên 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang. Trong đó 58.220 ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng. Hơn 18.360 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái với chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng. Khu vực này sẽ phục hồi các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất thủy văn; phát triển du lịch sinh thái.

Trạm bảo vệ Vườn Quốc gia Sông Thanh

Theo ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Vườn quốc gia sông Thanh, việc chuyển hạng Vườn Quốc gia sông Thanh nhằm mục tiêu bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn; bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật rừng, đặc biệt là các loài thú lớn, đặc hữu của Việt Nam; bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái vùng Trung Trường Sơn với các kiểu rừng thường xanh lá rộng mưa ẩm, đặc biệt là kiểu rừng hỗ giao giữa cây lá rộng và lá kim á nhiệt đới.

Trên địa bàn các xã vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hiện có hơn 5.500 hộ gia đình với gần 20.000 nhân khẩu, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc bản địa Cơtu, Giẻ Triêng và Mơ Nông (chiếm khoảng 95%).

Đây là các cộng đồng địa phương có sinh kế gắn liền với sử dụng tài nguyên rừng, có những tác động nhất định lên tính đa dạng sinh học của khu vực. Các giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên nơi đây có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Việc nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn Quốc gia sẽ giúp cho tỉnh Quảng Nam nâng cao được năng lực bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc thành lập vườn quốc gia nhằm bảo vệ rừng tốt hơn, tiếp tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung - Trường Sơn. Vườn có chức năng bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch.

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc chuyển hạng Khu bảo tồn sông Thanh thành Vườn quốc gia là một trong những cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn động thực vật quý hiếm.

Vườn quốc gia Sông Thanh ra đời không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn mà còn tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật quý hiếm khu vực Trung Trường Sơn, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng sống tại huyện Nam Giang, Phước Sơn và các vùng lân cận.

“Thời gian tới để đảm bảo sự phát triên bền vững Vườn Quốc gia sông Thanh, tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng truy quét các bãi vàng trái phép, có khả năng sẽ đánh sập các hâm vàng, khôi phục cảnh quan môi trường và bảo vệ môi trường. “- ông Bửu cho hay.

Ông Hồ Quang Bửu (bên phải) - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - trao quyết định thành lập Vườn Quốc gia Sông Thanh cho ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn

UBND tỉnh Quảng Nam giao Giám đốc Sở NN&PTNT quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động. Bộ máy tổ chức hoạt động kế thừa Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao ngành TN&MT và các cấp để triển khai các hoạt động bàn giao ranh giới, xây dựng hệ thống cột mốc trên bản đồ và ngoài thực địa. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chuẩn bị các phương án và quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Các nhà chuyên môn ghi nhận nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Thành lập Vườn quốc gia sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO