Sức khỏe

Quảng Nam: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Anh Dũng 20/06/2023 - 14:52

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTTQ) giảm nghèo bền vững, huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo; đặc biệt hỗ trợ huyện Bắc Trà My và Phước Sơn là 2 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.

h1.jpg
Trồng rừng góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi Quảng Nam

Triển khai đồng bộ nhiều chính sách

Trên cơ sở văn bản chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2021 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Các sở, ngành đã ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; Thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025, tiếp tục kiện toàn Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, năm 2022, tỉnh đã phân bổ ngân sách Trung ương cho 6 huyện nghèo với giá trị hơn 375,1 tỷ đồng, với 97 công trình/dự án; phân bổ vốn sự nghiệp cho các huyện nghèo để duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu với giá trị hơn 12 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân còn thấp.

Thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh đã phân bổ kinh phí 28,5 tỷ đồng cho các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện, giải ngân gần 1,9 tỷ đồng.

Xây dựng Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, đẩy mạnh công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo, chính sách hỗ trợ cán bộ giảm nghèo cấp xã theo Nghị quyết của HĐND tỉnh... Thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của quốc gia như chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý…

Nhìn chung, theo đánh giá việc phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thực hiện theo đúng nguyên tắc tiêu chí và định mức quy định. Trong tổ chức thực hiện ở địa phương, hầu hết cấp huyện và cấp xã đều chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch với các giải pháp phù hợp, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm, đạt và vượt mục tiêu đề ra hằng năm, cụ thể: năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo/2.000 hộ theo chỉ tiêu giao, vượt 158% so với kế hoạch đề ra; năm 2022 giảm 3.981 hộ nghèo/3.000 hộ theo chỉ tiêu giao, vượt 132,7% so với kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam còn 29.146 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, chiếm tỷ lệ 6,63%; 8.673 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,97%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 7,7%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 10,02%.

h2.jpg
Ra quân cải tạo đồng Lúa nước Nà Mít (thôn 3, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My)

Hỗ trợ huyện Bắc Trà My và Phước Sơn thoát nghèo

Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 1368/KH-UBND ngày 14/3/2023 về hỗ trợ huyện Phước Sơn và huyện Bắc Trà My. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến 2025 với tổng kinh phí hơn 1.291 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 187 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 102 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 1.000 tỷ đồng.

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đối với huyện Bắc Trà My, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 6-7%/năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 57,03% xuống còn 20,84%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm.

Phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Trà Sơn và Trà Giang); số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/13 xã (chiếm 46,15%).

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Mục tiêu của địa phương là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, môi trường, tiếp cận thông tin. Muốn làm được điều này phải thực hiện bằng nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị cao nhất”.

Huyện sẽ ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây ăn quả, dược liệu, bò, dê, heo đen...

Với hộ nghèo có lao động thì việc làm, đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững sẽ được thực hiện để lao động có thu nhập hỗ trợ gia đình. Việc lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ nhiều chương trình, dự án khác nhau là hướng đi mà Bắc Trà My đang thực hiện nhằm giảm nghèo hiệu quả nhất.

Đối với huyện Phước Sơn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 6-7%/năm; đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,15% xuống còn 22,06%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm (tăng 1,8 lần so với năm 2020).

Phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công và Phước Hiệp); số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/12 xã (chiếm 50%).

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Giảm nghèo bền vững hàng năm và thoát khỏi huyện nghèo là mục tiêu lớn nhất Phước Sơn phải đạt được đến năm 2025.

Giảm nghèo chính là làm sao để thay đổi một cách cụ thể nhất mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Phước Sơn có tiềm năng, dư địa để phát triển các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi. Nhưng quan trọng là phải thay đổi từ trong nhận thức của người dân về ý thức vươn lên, vượt khó, vượt nghèo. Điều này đòi hỏi phải tổng lực, tác động toàn diện”.

Cũng theo ông Trung, Phước Sơn đã có đề án hỗ trợ nhân dân chuyển đổi từ việc trồng cây keo sang trồng cây ăn quả, trồng cây rừng lâu năm, trồng cây dược liệu xen ghép dưới tán rừng, hình thành vùng chuyên canh trồng cỏ nuôi bò.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO