Xã hội

Quảng Nam: Sinh kế bền vững từ nghề đan lát mây tre

Võ Hà 29/08/2023 - 16:58

Nghề đan lát mây tre của đồng bào Cơ Tu đã có từ lâu đời và là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang, Quảng Nam. Gắn việc giữ nghề với phát triển vùng nguyên liệu mây được xác định là hướng đi để bảo tồn văn hóa và khai thác kinh tế rừng bền vững.

Bảo tồn nghề truyền thống

Ông Bling Blóo (64 tuổi, thôn Bhơ Hôông, Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) không biết nghề đan lát mây tre truyền thống của gia đình có từ khi nào. Chỉ biết, khi biết đi, biết nói đã thấy ông, cha mình khéo léo đan những sản phẩm bắt mắt phục vụ sinh hoạt của gia đình cũng như biếu tặng người thân.

Các sản phẩm đan lát đa dạng như giỏ đựng, gùi, mâm, các dụng cụ phục vụ nghề trồng lúa của người dân. Già Ông Bling Blóo cho biết để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì cũng như khéo léo của người dân từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ sợi, phơi khô đến đan.

dong-giang-2-.jpg
Nghề đan lát mây tre của đồng bào Cơ Tu đã có từ lâu đời và là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang

Trăn trở với nghề truyền thống nên nhiều năm nay già A Lăng Phương (thôn Ra Ê, xã A Ting, Đông Giang) vẫn miệt mài với nghề đan lát mây tre. Cứ vào thời gian hết vụ mùa, già lại cùng con vào rừng kiếm nguyên liệu để đan các sản phẩm mây tre.

Theo già A Lăng Phương, tùy theo kích cỡ mà mất từ 10 – 15 ngày để hoàn thành một sản phẩm. Trước đây, các sản phẩm đan lát chủ yếu phục vụ sinh hoạt của gia đình, và biếu tặng, hoặc trao đổi với hàng hóa ngang giá (gạo, rau củ, thịt…). Bây giờ, các sản phẩm làm ra có đưa ra thương mại tuy nhiên sức tiêu thụ khá hạn chế do chi phí để làm ra một sản phẩm lớn, giá mỗi sản phẩm mây tre đan lát cũng theo đó dao động từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Bên cạnh đó, theo thời gian, khi xã hội phát triển, nhiều gia đình đồng bào Cơ tu đã chuyển sang dùng các vật dụng bằng nhựa, nhôm, inox vì tính tiện lợi. Nghề đan lát của đồng bào cũng theo đó đối diện với nguy cơ mai một.

"Giới trẻ Cơ Tu ngày nay không mặn mà với nghề đan lát truyền thống bởi nghề vừa đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ nhưng sức tiêu thụ sản phẩm không cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp", ông A Lăng Phương nói.

Hiện nay già A Lăng Phương cùng một số nghệ nhân dưới sự hỗ trợ của huyện Đông Giang đã nỗ lực dạy nghề, truyền nghề cho gần 50 học viên trẻ của xã A Ting.

Còn tại thôn Bhơ Hôông, già Bling Blóo cho biết dưới sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn nghề đan lát Cơ Tu cho hơn 30 người, trong đó có nhiều thanh niên trẻ. Xã Sông Kôn cũng đăng ký xây dựng 2 sản phẩm OCOP, một trong số đó là sản phẩm đan lát của người Cơ Tu. Đây cũng sẽ là động lực để bà con nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn nghề truyền thống và nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu.

Gắn giữ phát triển kinh tế rừng

Theo ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, huyện có hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Huyện Đông Giang luôn xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực gìn giữ các nét văn hóa truyền thống. Cùng với nguồn lực của địa phương, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn lực từ các dự án, chương trình của các tổ chức như dự án Trường Sơn Xanh, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft),… để khôi phục nhiều làng nghề truyền thống.

h1(1).jpg
Đồng bào Cơ Tu giữ gìn nghề truyền thống gắn với việc bảo vệ rừng

Đặc biệt, việc gìn giữ nghề truyền thống gắn với bảo vệ rừng được xác định là hướng đi quan trọng trong việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghề đan lát mây tre. Để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho nghề mây tre đan và góp phần thúc đẩy các lợi ích sinh kế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng và tăng khả năng hấp thụ các bon từ rừng, địa phương tập trung hỗ trợ vận động người dân phát triển mây dưới tán rừng, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng.

Hiện nay, địa phương đã có đã có hàng trăm hộ trồng hơn 500ha mây dưới tán rừng tự nhiên. Một số mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại các xã A Ting, Sông Kôn; khai thác mây bền vững tại xã Mà Cooih... giúp người dân cải thiện được thu nhập từ rừng.

“Địa phương xác định sinh kế phải phù hợp với chính sách của tỉnh, nhưng cũng duy trì và phát huy giá trị đa dạng sinh học. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện tốt các công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo các chương trình, dự án, đặc biệt là chương trình trồng rừng gỗ lớn theo Dự án bảo vệ và phát triển rừng hằng năm, trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ như mây và dược liệu” – ông Tùng cho biết.

Quảng Nam được xem là vùng nguyên liệu mây tre lớn của cả nước với hơn 20 loài mây, phân bổ rộng khắp tại khu vực ven sông suối, dưới tán rừng thuộc địa bàn các huyện miền núi. Trong đó, có loài cho sản lượng và giá trị cao, được thu mua rộng rãi như mây nước, song mây, mây đắng, mây nếp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Sinh kế bền vững từ nghề đan lát mây tre
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO