Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ sử dụng toàn bộ diện tích là 15.486,46 ha cho mục đích đất rừng đặc dụng. Đồng thời, tổ chức khoán bảo vệ rừng ổn định hàng năm trên diện tích 8.948,42 ha rừng tự nhiên cho các nhóm hộ gia đình theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bên cạnh đó, phương án cũng đưa các kế hoạch triển khai như đẩy mạnh bảo vệ rừng thông qua việc tổ chức hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; khoán bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư, người dân địa phương; cắm mốc ranh giới, bảng ranh giới nhằm phân định ranh giới khu bảo tồn và giảm thiểu tình trạng xâm lấn tài nguyên rừng.
Quảng Nam lên kế hoạch quản lý bền vững gần 16 ngàn ha rừng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la. |
Tổ chức thường xuyên các hoạt động tuần tra kiểm soát rừng, truy quét các điểm nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng và đất rừng theo quy định của pháp luật. Duy trì tổ chức và hoạt động tuần tra của các Tổ Bảo vệ rừng (Forest Guard) tại các mô hình hiện có.
Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm với ngành chức năng, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Xây dựng và thực hiện phương án tài chính bền vững cho khu bảo tồn để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Đầu tư hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị giúp triển khai các hoạt động bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học…
Phương án quản lý rừng bền vững nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; bảo vệ và phục hồi các loài đặc hữu và các loài động thực vật nguy cấp, quí hiếm khác; bảo vệ đất chống xói mòn, điều tiết duy trì nguồn nước. Đồng thời, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định sinh kế, nâng cao đời sống người dân địa phương. Bên cạnh đó, tạo ra giá trị kinh tế từ các hoạt động bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và các hoạt động khác nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho chủ rừng và cộng đồng dân cư tại chỗ.
Khu bảo tồn Sao la ở Quảng Nam có nơi cao đến 1.298m, có điều kiện sống tốt cho loài Sao la. Đây là khu bảo tồn Sao la thứ hai tại Việt Nam.