Thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch phấn đấu tổ chức trồng 10,3 triệu cây, trong đó: Trồng cây xanh phân tán là 9,6 triệu cây; Trồng cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất là 0,65 triệu cây, tương ứng với 650 ha.
Địa điểm trồng là những nơi đất trống tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, trên các bờ vùng, bờ thửa, vùng gò đồi, vùng phòng hộ ngoài đê biển; đất trống thuộc quy hoạch phòng hộ, đặc dụng.
Các loại cây trồng phải phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái ở mỗi địa phương, ưu tiên nhóm các loài cây đa mục đích, cây cho gỗ lớn (Lim xanh, Giổi xanh, Xoan đào, Ươi, Muồng đen, Sao đen, Xà cừ, Lát hoa,…), Tràm gió, cây cảnh quan, bóng mát,…
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự kiến vào ngày 27/1/2023, tỉnh sẽ ra quân tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023, nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức trồng rừng từ vốn ngân sách tỉnh.
Song hành với Sở NN&PTNT, các Sở, ngành, địa phương đơn vị tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Các đơn vị phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Ngày đô thị Việt Nam”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.
Bình quân hằng năm Quảng Nam trồng 20.000 ha rừng. Đến cuối năm 2021, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 680.250 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 463.356 ha và diện tích rừng trồng 216.800 ha. Việc triển khai các chương trình, dự án đó đã mang lại kết quả to lớn, giúp độ che phủ rừng ngày càng được nâng cao, từ 48,3% năm 2011 lên 58,61% vào cuối năm 2021, là một trong 7 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.