Quảng Nam: Phá hiện vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng ở xã Cà Dy
Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam) đang xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng gây ra vụ phá rừng nghiến cổ thụ tại địa phương này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 11/7, Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận hồ sơ của Hạt kiểm lâm huyện về vụ phá rừng phòng hộ ở xã Cà Dy.
Theo Thượng tá Đạt, vụ việc này được Hạt Kiểm lâm huyện khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, xảy ra tại khoảnh 5, tiểu khu 329, thôn Pà Dá, xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Hiện Công an huyện đang xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng gây ra vụ phá rừng này để xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo 185/BC - UBND huyện Nam Giang, lực lượng chức năng huyện Nam Giang xã Cà Dy phối hợp với Tổ bảo vệ rừng thôn Pà Dá tiến hành tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng tại các khoảnh 5, Tiểu khu 329 phát hiện có 13 cây gỗ bị chặt hạ, khối lượng 62.286m3, chủng loại Nghiến, nhóm IIA. Hầu hết cây gỗ bị cưa hạ có đường kính từ 80 cm trở lên, có cây có đường kính lên đến 150 cm, các cây gỗ đều có chiều dài hàng chục mét.
Ngay sau khi nhận được báo cáo vụ việc, UBND xã Cà Dy đã chỉ đạo Đội Bảo vệ rừng của xã và Tổ Bảo vệ rừng thôn Pà Dá tăng cường lực lượng tổ chức trực bảo vệ hiện trường để ngăn chặn các đối tượng vào khai thác trái phép, làm thay đổi hiện trạng; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, sau khi tiếp nhận vụ việc này, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng liên quan và địa phương. Qua đó đã chỉ đạo UBND xã Cà Dy khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng của xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện hoàn thiện các thủ tục hồ sơ liên quan để chuyển Hạt Kiểm lâm huyện nghiên cứu xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương phối hợp điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, căn cứ theo Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý hiếm thiệt hại từ 5m3 trở lên) thì vụ việc này đủ điều kiện khởi tố vụ án.