Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hiện có 10 DA thủy điện bậc thang, trong đó có 8 DA đã phát điện gồm: Thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, ĐăkMi 3, 4, Sông Bung 2, 4, 6...
Toàn tỉnh còn có 36 thủy điện vừa và nhỏ, trong đó 12 công trình đã phát điện, 3 công trình đang thi công và 21 DA đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư...
Đến nay, có 21 hồ chứa thủy điện có quy trình vận hành được phê duyệt. Tuy nhiên, công tác vận hành và đảm bảo an toàn đập còn bộc lộ nhiều những tồn tại và hạn chế.
Theo quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa của Chính phủ, trong mùa khô Nhà máy thủy điện Đắk Mi4 phải trả nước về sông Đắk Mi với lưu lượng 25m3/s để cung ứng nước cho vùng xuôi. Trên thực tế, nguồn nước xả từ thủy điện này lại đổ sang sông Thu Bồn để tiếp tục phát cho 3 thủy điện bậc thang khác, khiến sông Đắk Mi trở thành dòng sông chết trơ đá toàn đá.
Kéo theo hậu quả là người dân vùng hạ du thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt vào sản xuất. Riêng TP Đà Nẵng phải đối mặt với hiện tượng xâm nhập mặn vào hệ thống sông Vu Gia, gây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Có năm, nguồn nước cung ứng cho Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) bị nhiễm mặn kéo dài suốt 10 tháng. Trong tháng 7 và 8/2018, nguồn nước liên tục bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn gấp 7 lần mức quy chuẩn cho phép; nên việc cung ứng nước sinh hoạt cho người dân TP gặp khó khăn, không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.
Tại cuộc họp với ngành chức năng Quảng Nam vừa qua, ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện chưa có chủ đầu tư hồ chứa thủy điện nào xây dựng phương án đáp ứng cho tình huống xấu nhất là vỡ đập để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Còn ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam bộc bạch, việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa bộc lộ nhiều bất cập khi triển khai trên lưu vực hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn. Tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được điều chỉnh. Sự an toàn ở các DA thủy điện nhỏ và vừa là vấn đề cần rất lưu tâm, đề nghị rà soát thủy điện nhỏ, chỗ nào chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực thì cho dừng hẳn và loại ra khỏi quy hoạch.
Đã có không ít sự cố về thủy điện xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Điển hình như: Vào tháng 9/2016, thủy điện sông Bung 2 (huyện Nam Giang) vỡ hầm dẫn dòng làm 26 triệu m3 nước, tương đương 1/10 dung tích của hồ chứa sông Bung 2 đổ ra; tạo cơn lũ kinh hoàng nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êe và xã Zuôih của huyện.
Hàng ngàn hộ dân vùng xuôi như: Huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP Hội An lo lắng phải sơ tán khẩn cấp trong đêm.
Theo thống kê, chỉ riêng năm 2017, thiên tai lũ lụt đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Nam hơn 1.600 tỷ đồng, làm chết 39 người.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam cho biết: “Thủy điện trên địa bạn huyện nhiều quá. Những bất cập mà chúng tôi thấy đó là, thủy điện thu hẹp đất sản xuất của người dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường và đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt…”.
Mỗi khi vào mùa mưa bão, mặt trái của thuỷ điện càng bộc lộ rõ hơn do hàng chục thủy điện trên thượng nguồn tích nước xong đồng loạt xả nước vào 2 hệ thống sông Thu Bồn và Vu Gia, khiến cả một vùng đồng bằng rộng lớn của tỉnh Quảng Nam ngập sâu trong nước.
Còn người dân địa phương ở ngay cạnh các công trình thủy điện, cũng gánh chịu hậu quả là hàng ngàn ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và cả nhà cửa, làng mạc đã gắn bó, sinh sống nhiều năm nay cũng bị chìm trong biển nước.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: “Chúng ta nóng vội phát triển thủy điện nên thời gian đầu chúng ta gặp nhiều bất cập. Chính vì vậy nên đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục. Tỉnh sẽ tiến hành rà soát các DA thủy điện báo cáo Thủ tướng Chính phủ giảm xây dựng thủy điện lại, không phát triển thêm trong thời gian tới”.
Trước mắt, để phòng tránh những hậu quả xấu trong mùa mưa bão cận kề, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo: Đối với các thủy điện trên địa bàn, phải khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án đã được phê duyệt và chưa phê duyệt để đảm bảo an toàn phòng chống bão lũ trong mùa mưa bão đến và cho các năm sau.