Quảng Nam: Người tiên phong trồng sâm ba kích trên đất rừng

Lan Anh| 08/06/2020 20:04

(TN&MT) - Nhận thấy sâm ba kích mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa nâng độ che phủ rừng, già làng Bhríu Pố, ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã tiên phong đưa về trồng thử nghiệm trên đất rừng, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan. Ông được người dân nơi đây gọi là “vua sâm ba kích”.

Xã Lăng nằm ở vùng trung tâm của các xã vùng biên Việt - Lào của huyện Tây Giang, kề dưới các xã Tr’hy, A Xan, Ga Ry, Ch’ơm - được quen gọi với cái tên K (khu) 7 - là vùng đất có nhiều đẳng sâm vốn được nhiều người quen gọi là sâm K7. Với những hệ núi cao trên 1.000m vây quanh, độ che phủ của rừng còn giữ được khá cao, ngoài cây sâm K7, rừng ở xã Lăng là nơi cây sâm ba kích được phát hiện.

Dẫn chúng tôi đi một vòng vườn sâm ba kích đang sinh trưởng và phát triển thuận lợi, già làng Bh’riu Pố chia sẻ, bắt đầu từ năm 2003, khi ông đang là Bí thư Đảng ủy xã Lăng. Thời gian này, một cán bộ Viện Dược liệu Trung ương về xã khảo sát, tìm hiểu các loại cây dược liệu quý, trong đó có cây sâm ba kích.

Lúc đó, trên rừng A Rớh quê ông mọc rất nhiều loại cây này nhưng không mấy ai biết giá trị của nó. Khi biết được giá trị kinh tế của sâm ba kích, năm 2006 ông nảy ra ý định và tiên phong trồng thử loại cây này. Sau 3 năm cực khổ vun trồng, già làng Bh’riu Pố bán đợt đầu tiên với giá 300 ngàn đồng/kg.

Ông Bh’riu Pố là người đầu tiên trồng thử nghiệm cây sâm  ba kích trên vùng núi tỉnh Quảng Nam

“Ngay từ đầu, gia đình tôi trồng ba kích là muốn làm kinh tế để xóa đói nghèo. Thứ 2, đây là một loại cây quý cần giữ gìn và phát triển. Cây này mình bán rất dễ, trồng cũng không khó. Công dụng của nó cũng rất tốt cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Quan trọng hơn nữa là mình trồng vừa bảo vệ nguồn giống dược liệu quý hiếm vừa làm kinh tế luôn.” – già làng Bh’riu Pố chia sẻ.

Gần 20 năm qua, ông cùng với vợ cần mẫn chăm chút trang trại rộng gần 1,2 ha dưới chân núi Adương để trồng cây ba kích. Mỗi năm, khai thác khoảng 2.000 gốc thu từ 120 đến 150 triệu đồng. Từ củ sâm ba kích Tây Giang mà hiện nay gia đình ông có đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe máy, tủ lạnh,… con cái được học hành đầy đủ. Đó là những thứ mà trước đây ông chưa bao giờ dám mơ tới.

Thấy việc trồng ba kích đem lại hiệu quả, người dân trong thôn, xã dần học tập làm theo. Ông Pố dành riêng một vườn ươm giống ba kích giúp bà con trong xã mở rộng diện tích vừa có thêm thu nhập, vừa bảo tồn được giống dược liệu quý hiếm này.

Anh Cơlâu Thái Ngọc, ở thôn Prning, xã Lăng có vườn Ba Kích rộng gần 5 héc ta cho biết, trước đây chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy trồng ngô, thỉnh thoảng đi làm thuê theo mùa vụ, vì vậy nghèo đói cứ đeo bám quanh năm. Sau khi được sự giúp đỡ của ông Bh’riu Pố, anh đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng trồng Ba Kích. Hiện giờ, gia đình anh có thêm của ăn, của để, thu nhập bình quân 150-180 triệu đồng/năm.

“Ông Pố hay đến từng nhà để vận động bà con phát triển kinh tế. Ông bày cách trồng ba kích, trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi. Đặc biệt, lứa thanh niên như tôi cũng nhờ ông bày dạy cách trồng sâm Ba Kích, tôi đã khởi nghiệp bước đầu thành công.”- Anh Cơlâu Thái Ngọc cho hay.

Từ hiệu quả kinh tế của cây ba kích, lãnh đạo huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã xác định đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo” cho đồng bào vùng biên. Hiện nay, giá ba kích tươi khoảng 500 ngàn đồng/kg. Huyện Tây Giang đã thành lập một trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu, nhân rộng mô hình.

Vườn sâm ba kích ở xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam

Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết,  nhờ sự chủ động nhân giống của ông Bh’riu Pố mà giờ đây nhiều hộ dân ở các xã thuộc huyện Tây Giang trồng sâm ba kích trong vườn nhà, trong lúc cây ba kích ngoài rừng vẫn tiếp tục bị săn đào cạn kiệt.

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang nhân rộng mô hình trồng Ba Kích, với diện tích hơn 250 héc ta. Hiện, có 3 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của bà con. Trong bạt ngàn núi rừng, cây ba kích và nhiều loại dược liệu quý đặc trưng của vùng, đang dần hồi sinh đem lại sự đổi thay cho người dân nơi đây trong đó có công của già làng Bh’riu Pố của núi rừng Tây Giang./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Người tiên phong trồng sâm ba kích trên đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO