Cho rằng việc 2 mỏ cát của Công ty CP An Thịnh và Công ty TNHH Nhất Tài đi vào hoạt động đã gây ra tình trạng sạt lở và bồi lấp hàng chục héc-ta đất sản xuất nên đỉnh điểm, hàng trăm người dân thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã kéo ra hiện trường mỏ để yêu cầu dừng hoạt động.
Theo phản ánh của ông Đặng Ngọc Thủy- Xóm trưởng xóm Vĩnh An, thôn Đông Yên, xã Duy Trinh thì người dân tại xóm Vĩnh An rất bức xúc việc 2 mỏ cát của Công ty An Thịnh và Công ty Nhất Tài gây bồi lấp đất sản xuất và sạt lở đất bãi bồi quanh khu vực mỏ, người dân xóm Vĩnh An, thôn Đông Yên đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, song chưa được giải quyết thấu đáo. Đặc biệt, từ khoảng tháng 5/2017, theo phản ánh thì mỏ cát Công ty An Thịnh được chuyển cho đơn vị khai thác mới là Công ty TNHH MTV Cử Minh Khoa do ông Phạm Cử làm Giám đốc thì tình hình an ninh càng trở nên căng thẳng hơn, nhân viên của 2 mỏ cát này đã tỏ thái độ thách thức người dân địa phương nên đã xảy ra xô xát giữa người dân trong thôn và người của 2 mỏ cát.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến- Chủ tịch xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên cho biết, từ khi 2 mỏ cát này bắt đầu hoạt động thì xã vẫn chưa họp dân tại xóm Đông Yên để thông báo về vị trí cũng như thời gian khai thác để người dân giám sát. Cũng theo ông Chiến, việc người dân cản trở doanh nghiệp hoạt động trong khu vực mỏ là trái pháp luật, UBND xã đã có tờ trình lên huyện đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu quá khích(?!).
Sau khi ngăn cản 2 mỏ cát tiếp tục hoạt động, vào ngày 22/12, người dân xóm Vĩnh An, thôn Đông Yên, xã Duy Trinh đã làm đơn kiến nghị tập thể với hàng trăm chữ ký gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết. Theo phản ánh của người dân, từ năm 2015 đến nay, đơn vị tư nhân khai thác cát An Thịnh và đơn vị Nhất Tài đã khai thác cát tại khu đất cát xóm Vĩnh An, thôn Đông Yên. 2 doanh nghiệp này dùng máy hút cát ống lớn, hút sâu gây lở đất sản xuất của nhân dân và tạo dòng chảy lở đất vào làng nơi người dân ở, làm mất hơn 30ha đất ven sông ở gò đất Non, gò Ông Út, gò Ông Nhất, gò Ông Nhì.
Đến năm 2016, hoạt động khai thác cát tiếp tục gây bồi lấp hơn 35ha đất canh tác của nhân dân tại gò Ông Ba, gò Ông Bốn, gò Bắc Giang, có chỗ cát lấp từ 0,5-1m. Về vấn đề này, người dân xóm Vĩnh An, thôn Đông Yên đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, song chưa được giải quyết thấu đáo khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Gặp chúng tôi ngay khu vực mỏ của Công ty An Thịnh và Công ty Nhất Tài, anh Nguyễn Minh Thắng, một người dân thôn Đông Yên bức xúc cho rằng việc khai thác cát của 2 đơn vị này trong thời gian qua, đặc biệt sau đợt mưa lũ cuối năm 2017 đã làm bồi lấp khoảng 2 sào đất sản xuất ven sông của gia đình anh, khiến cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi tư liệu đất sản xuất đã bị bồi lấp gần như hoàn toàn. Chưa dừng lại, hoạt động khai thác cát của 2 doanh nghiệp này còn tạo nên 1 dòng lạch sâu hoắm, rất nguy hiểm.
Vào sáng 16/1, mặc dù chính quyền đã yêu cầu 2 mỏ cát tạm dừng hoạt động để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương nhưng theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên & Môi trường thì tại mỏ cát của Công ty An Thịnh, mà thực tế theo phản ánh của người dân là do Công ty Cử Minh Khoa hoạt động vẫn có nhiều xe tải vào lấy cát. Đây có phải là hành vi xem thường chính quyền của Công ty Cử Minh Khoa (?!).
PV Báo Tài nguyên & Môi trường cũng đã liên hệ với đại diện của Công ty An Thịnh và Công ty Nhất Tài, tuy nhiên số điện thoại của đại diện Công ty An Thịnh (do ông Chiến- Chủ tịch xã Duy Trinh cung cấp) thường xuyên không liên lạc được. Còn ông Mai Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Nhất Tài thì phân trần trong quá trình hoạt động, công ty luôn tuân thủ đúng các quy định và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng. Mỏ cát của Công ty Nhất Tài được cấp phép trên diện tích 3,3ha, thời gian khai thác từ tháng 6/2015 và đến ngày 6/9/2018 sẽ hết hạn. Việc tạm ngừng hoạt động cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn, cũng mong chính quyền chủ trì họp dân, giải thích cho người dân hiểu để doanh nghiệp được sớm hoạt động lại.