Quảng Nam: Lợi dụng xây dựng trang trại để khai thác đất đi bán?

06/04/2019 23:52

(TN&MT) - Đó là câu hỏi nghi ngại của nhiều người dân xã Tam Mỹ Đông khi phản ánh đến Báo Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm cũng như thực trạng thi công xây dựng trang trại nông lâm nghiệp kết hợp tại thôn Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có nhiều vấn đề mập mờ, không hợp lý.

Dự án trang trại chỉ triển khai khi có được hợp đồng đầu ra về cung ứng đất làm vật liệu san lấp mặt bằng?
Dự án trang trại chỉ triển khai khi có được hợp đồng đầu ra về cung ứng đất làm vật liệu san lấp mặt bằng?


Cắt hạ ngọn đồi để làm trang trại

Trước đó (28/3), qua phản ánh của người dân, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường có bài viết "Quảng Nam: Dân kêu trời vì ô nhiễm từ mỏ đất”, phản ánh sự việc, người dân nơi đây đã than trời, kêu đất vì quá ô nhiễm, việc xe vận chuyển đất tận thu từ dự án xây dựng trang trại của Công ty TNHH TM & DV Hưng Đức Vinh (Cty Hưng Đức Vinh), chạy làm hư hỏng đường sá, gây ô nhiễm nghiêm trọng, nắng thì bụi, mưa thì bùn, làm đảo lộn đời sống người dân vùng quê nơi đây.

Sau khi bài báo đăng tải, chúng tôi nhận được hoan nghênh của người dân địa phương. Từ đây, dư luận còn tiếp tục phản ánh mối nghi ngờ của họ liên quan đến việc tận thu đất của Cty Hưng Đức Vinh.

Một người dân địa phương băn khoăn, bà Nguyễn Thị Thắm làm giám đốc trang trại rồi xin cải tạo mặt bằng. Để đảm bảo tính pháp lý, sau lại lập thêm công ty khác ký hợp đồng tận thu đất từ việc cải tạo này, cả 2 công ty đều do một mình bà Thắm làm giám đốc, bên A cũng bà Thắm mà bên B cũng là bà Thắm?.

Tuy nhiên, là người địa phương chúng tôi thấy vô lý, họ đi đào đất đồi rồi chở đi bán làm vật liệu san lấp mặt bằng. Ai đời thi công trang trại gì mà cứ chăm chăm đào đất bán, đào chổ này sang chỗ kia, gặp chỗ khó thì bỏ dở. Đặt biệt hơn, khi nào có đầu ra thì mới cho đào đất, thi công trang trại?. Thi công trang trại, cải tạo mặt bằng thì phải triển khai thường xuyên và liên tục, phải triển khai theo đúng bản vẽ biện pháp thi công, gặp đất, gặp đá gì cũng phải cải tạo cho ra mặt bằng, chứ sao thấy đơn vị này gặp đất thì múc, gặp đá thì né?.

Dư luận đặt câu hỏi tại sao trang trại không chọn địa hình bằng phẳng cho giảm chi phí, mà chọn cắt hạ quả đồi để làm trang trại?
Dư luận đặt câu hỏi tại sao trang trại không chọn địa hình bằng phẳng cho giảm chi phí, mà chọn cắt hạ quả đồi để làm trang trại?

“Ở vùng nông thôn nghèo nơi đây, nếu quả thật có một nhà đầu tư về làm trang trại thật thì quá quý, nhưng nhiều nghi ngại cho rằng, đây là hình thức lách luật, lợi dụng việc làm trang trại để hợp thức hóa bằng 2 chữ tận thu nhằm khai thác đất đi bán. Không đời nào, làm trang trại mà đi chọn nguyên một quả đồi, múc hạ xuống 15 mét để làm trang trại?.

Trong khi đó, các khu vực lân cận cũng không thiếu những mãnh đất trũng, bằng phẳng và đủ rộng cho việc lựa chọn làm dự án trang trại. Vậy tại sao nhà đầu tư này lại đi chọn quả đồi để làm trang trại, thật kỳ quặt, khó hiểu?. Việc này, lẽ ra các cấp quản lý, các cơ quan ngành phải đoán được ý đồ khi phê duyệt dự án này?. Quá táo bạo và khen ngợi cho ai phê duyệt một dự án cắt hạ cả một quả đồi xuống 15m để làm trang trại”, một cựu nông dân tại địa phương phân tích, chia sẻ nghi ngại.

Tiến hành tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, vài năm trước, bà Thắm xin cải tạo 12,05ha đất ở thôn Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông để làm dự án trang trại kinh tế nông lâm nghiệp kết hợp. Phương án cải tạo được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 15/2/2017. Tổng trữ lượng đất đào là 923 ngàn m3, trong đó 863 ngàn m3 sẽ được tận thu đưa đi san lấp.

Đúng như người dân phản ánh, để tận thu lượng đất dư thừa khi cải tạo dự án đem đi bán, bà Thắm ký hợp đồng số 05/HĐ-KT với Cty Hưng Đức Vinh để thực hiện. Tréo ngeo là Cty Hưng Đức Vinh không ai khác chính là công ty do bà Thắm làm Giám đốc.

Trong giấy tờ là tận thu đất trong quá trình cải tạo trang trại, nhưng bản công bố là mỏ đất?
Trong giấy tờ là tận thu đất trong quá trình cải tạo trang trại, nhưng bản công bố là mỏ đất?

Tiếp tục, để thực hiện việc tận thu đất, bà Thắm ký tiếp hợp đồng với Công ty Vận tải Núi Thành để vận chuyển đất ra ngoài. Từ đây, ngoài chuyện ô nhiễm như đã nói, còn phát sinh nhiều hệ lụy, nếu đúng như nghi ngại của người dân về dự án là là giả, nhưng khai thác đất là thật.

Cần làm rõ mối nghi ngại từ dư luận

Ông Châu Ngọc Phúc - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông cho rằng, trong quá trình thực hiện, việc khai thác đất này, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định do UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Núi Thành đề ra. Buộc lòng, để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, xã đã mời bà Thắm lên làm việc nhiều lần để chấn chỉnh.

Rõ ràng, từ ghi nhận của chúng tôi cũng như theo dõi của chính quyền xã Tam Mỹ Đông thì những gì dư luận nghi ngại là rất có cơ sở. Thực tế, khi quan sát tại khu vực đồi do bà Thắm khai thác, tận thu đất, chúng tôi mới thấy ngỡ ngàng. Nhiều quả đồi lớn được đào bới lấy đất chỉ còn trơ lại lớp đá cứng. Thử hỏi với lớp đá trơ cứng lại này làm sao có thể trồng cây, làm trang trại?. Chưa hết, ở nhiều vị trí do đá dày, không đào được đất, thì bị bỏ dở, máy móc được luân chuyển qua vị trí khác có nhiều đất hơn để đào lấy.

“Ai đời làm trang trại mà vào vùng đất núi đồi để làm, sao không đi xin những vùng đất bằng phẳng hơn để làm cho đỡ chi phí.Tôi thấy họ đào đất bán thì đúng hơn. Được lớp đất tầng phủ đẹp, phì nhiêu thì đào bán, còn trơ đá căn cỗi thì trồng được cây gì mà làm trang trại”, một người dân bày tỏ.

Chủ trang trại là bà Thắm và công ty ký hợp đồng để tận thu đất từ trang trại cũng là bà Thắm
Chủ trang trại là bà Thắm và công ty ký hợp đồng để tận thu đất từ trang trại cũng là bà Thắm

Trả lời chúng tôi, bà Thắm nói rằng bà làm trang trại thật. Quá trình khai thác gặp nhiều đá, người dân hay cản trở, chặn xe, do đường sá hư hỏng nên trữ lượng đất lấy ra chỉ khoảng 50 ngàn m3 từ khi hoạt động đến nay. 

Một cán bộ quản lý mỏ cho bà Thắm cũng kiến nghị xin các cơ quan chức năng giảm bớt thuế hoặc đi đến tận dự án để thấy được cái mà theo bà Thắm là "cái khó" (khai thác đất nhưng gặp đá, đường sá hư, dân hay chặn đường....) của doanh nghiệp.

Trái ngược với vị này, người dân địa phương thì cho rằng, nếu cơ quan chức năng mà xuống thực tế hiện trường thì dự án này khó được phê duyệt.

Cũng theo bà Thắm - chủ trang trại, vốn dĩ, bà định xin làm trang trai tận thu đất bán san lấp cho cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ban đầu chỉ xin có 3ha nhưng bên dự án Cao tốc vẽ xin thêm làm thủ tục luôn thể, nhưng trong lúc làm thì vướng nhiều thủ tục nên không kịp hoàn thành. Khi bà Thắm xin được thủ tục thì Cao tốc đã hoàn thành, nên hiện tại khi nào có đầu ra thì mới triển khai.

Tải trọng cho phép đối với đường là 10T và cầu là 8T, thế nhưng xe chở 9m3 (tương đương với 13T) vẫn lưu thông bình thường, gây hư hỏng đường sá và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tải trọng cho phép đối với đường là 10T và cầu là 8T, thế nhưng xe chở 9m3 (tương đương với 13T) vẫn lưu thông bình thường, gây hư hỏng đường sá và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Ông Trần Đình Minh - Trưởng phòng TN&MT huyện Núi Thành nói rằng, dự án của bà Thắm là cải tạo trang trại. Việc tận thu đất trong quá trình làm trang trại phải thực hiện đúng tinh thần tận thu, không phải là chăm chăm đào đất bán ra ngoài. Khi khai thác đất tận thu từ cải tạo trang trại nghĩa là, đào, san ủi từ chổ cao đưa về đắp về chổ thấp, sao cho có được một mặt bằng theo thiết kế. Lượng đất dư thừa ra từ quá trình này thì mới xin tận thu, đưa ra ngoài để san lấp hoặc đổ thải, chứ không phải làm theo kiểu khai thác đất xong lòi mặt bằng ra để làm trang trại.

“Có nhiều trường hợp người ta lách luật.Vừa rồi, tỉnh cũng rà soát nhiều. Chúng tôi cũng vừa dừng 1 dự án kiểu cải tạo trang trại nông lâm nhưng lợi dụng tận thu, bán đất, không đúng phương án cải tạo nằm trên địa phận xã Tam Xuân 1. Tỉnh cũng rút ra nhiều bài học nên về sau chỉ cho phép cải tạo không lồng ghép tận thu đất, đá ra ngoài”- ông Minh nói.

Chưa hết, tại cuộc họp báo tháng 3/2019 vừa qua, trong bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam thể hiện, địa phương này chú ý trọng quản lý lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản. Trong đó, đặc biệt là tỉnh rất xem trọng công tác bảo vệ môi trường, chú trọng kiểm tra, xử lý các dự án vi phạm.

Thiết nghĩ với dự án cải tạo, tận thu đất từ trang trại ở huyện Núi Thành nói trên, đang gây ô nhiễm cho xã Tam Mỹ Đông, cũng như dư luận đang hoài nghi việc lợi dụng cải tạo để bán đất; chính quyền tỉnh Quảng Nam, ngành TN&MT tỉnh cần vào cuộc và có câu trả lời cho dư luận. Không vì lợi ích của một ai đó mà làm xáo trộn cuộc sống của hàng trăm người dân, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Lợi dụng xây dựng trang trại để khai thác đất đi bán?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO