Giữa năm 1973, toàn bộ bộ máy Khu ủy, Quân khu 5 và các ban, ngành Khu được lệnh di chuyển ra căn cứ Phước Trà, huyện Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) tập trung xây dựng nhà cửa, lán trại hậu cần chuẩn bị phục vụ nhiệm vụ chính trị. Và tại tại khu căn cứ này đã diễn ra những sự kiện, mốc son có ý nghĩa lịch sử của Khu ủy Khu 5.
Đây là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ Khu 5 lần thứ III tháng 12/1973. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 38 đồng chí, do đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Nguyễn Phụng Minh (Nguyễn An) được bầu là Khu ủy viên - Chánh Văn phòng Khu ủy Khu 5.
Đây là nơi xuất phát chiến dịch tấn công giải phóng Ban Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên, xuống giải phóng Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung bộ, tiến đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là căn cứ cuối cùng cơ quan đầu não và Văn phòng Khu ủy hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xuống tiếp quản thị xã Hội An và TP. Đà Nẵng. Là căn cứ đóng quân lâu dài nhất của cơ quan đầu não Khu 5.
Đồng chí Khuông Văn Bông - Trưởng ban liên lạc Văn phòng Khu ủy Khu 5 cho biết, nhận thấy Văn phòng là cơ quan duy nhất phục vụ cho Khu ủy 5 hiện vẫn chưa có dấu tích gì để lại cho mai sau; sau khi được Đảng - Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Ban Liên lạc Văn phòng xin chủ trương xây dựng Bia tưởng niệm tại Khu căn cứ này.
Mục tiêu là ghi lại công lao đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến của Văn phòng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, góp phần làm phong phú thêm các hạng mục trong quần thể Khu di tích và tăng tính truyền thống cách mạng của tỉnh Quảng Nam. Công trình nằm trong phạm vi Khu vực I của quần thể Khu di tích cấp Quốc gia.
Ông Phan Việt Cường - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, những năm kháng chiến ác liệt, Hiệp Đức là căn cứ địa chiến lược của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, là căn cứ cuối cùng của Khu ủy V, là nơi đóng chân của nhiều cơ quan đơn vị Trung ương, của tỉnh. Trong đó có Văn phòng Khu ủy V. Sự tồn tại của Khu ủy V đã khắc ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
“Chính những người anh, người chị, người đồng chí từ nhiều miền quê khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau đã sống cùng mãnh đất Khu ủy V suốt những năm tháng vô cùng gian khổ, đầy ác liệt ấy đã góp phần làm nên những tháng năm hào hùng, góp phần cùng đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng”- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu.
Nhân dịp này, 2 xã Phước Trà và Sông Trà thuộc huyện Hiệp Đức được công nhận xã “An toàn khu”.