Quảng Nam: Khai thác cần gắn liền với bảo vệ hệ sinh thái biển

Lan Anh| 02/03/2023 09:07

(TN&MT) - Rong mơ và tôm hùm nhí là một trong những nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập đối với người dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, việc khai thác ồ ạt đang khiến cho nguồn lợi này suy giảm, đe dọa hệ sinh thái biển.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Những ngày này, mỗi ngày có hàng chục ghe thuyền tập trung quanh ghềnh đá Bàn Than, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành bắt tôm hùm giống để bán cho thương lái. Đáy biển nơi đây là khu vực có san hô, bãi đá, nhiều tôm hùm sinh sống. Ông Ngô Văn Thảo, trú thôn Thuận An, xã Tam Hải cho hay: Thời điểm này tôm con sống gần bờ nên bắt được, sau khi lớn chúng ra khơi thì dừng.

tom1.jpg
Gềnh đá Bàn Than, xã đảo Tam Hải là khu vực có san hô, bãi đá, nhiều tôm hùm sinh sống

“Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Theo đó, trời nắng biển êm và ít sóng thì ngư dân mới có thể ra khơi lặn biển để hành nghề, còn hôm nào biển động sóng lớn thì chúng tôi chuyển qua nghề thả lưới đánh bắt tôm, cá”, ông Thảo cho biết.

Để bắt được những con tôm nhí, người dân xã đảo Tam Hải phải lặn sâu hơn 10 m nước, mỗi lần lặn quấn dây chì quanh bụng, cổ đeo mắt kính và gắn dây thở được đấu trực tiếp với bình oxy và động cơ máy nổ trên thuyền cho khỏi ngạt khí. Nghề lặn biển rất nguy hiểm, cần phải có kinh nghiệm và sức khỏe tốt. Khi trồi lên mặt nước phải từ từ để tránh ù tai, lủng màng nhĩ và tránh áp suất của nước dễ gây tổn thương phổi.

tom4.jpg
Ngư dân chuẩn bị lặn bắt tôm hùm nhí 

“Hành nghề bắt tôm hùm nhí, mỗi thuyền thúng có khoảng 2 đến 3 ngư dân cùng nhau ra khơi và mọi người thường mang theo các dụng cụ như bộ đồ lặn, bình oxy, 2 vòng dây chì nặng khoảng 5kg, chai nhựa, thùng xốp có gắn máy sục khí để đựng tôm bắt được; que tăm sắt để chọc tôm nhí trong các rạn đá, san hô bò ra để bắt” - ngư dân Ngô Văn Xu, trú thôn Thuận An tâm sự.

Nếu tôm nhí xuất hiện nhiều, ông Xu sẽ săn bắt từ sáng sớm đến hơn 21 giờ đêm mới về nhà, còn lại đi về trong ngày. Trung bình mỗi ngày, mỗi nghe thường bắt được khoảng 30 đến 50 con tôm nhí, trong đó đa số là tôm xanh. Hiện nay giá tôm hùm nhí dao động từ 50.000 đến 85.000 đồng/con, mỗi ghe có thể thu về khoảng 2 đến 3 triệu đồng sau một ngày đánh bắt.

Bà Ngô Thị Liên, một thương lái thu mua tôm hùm nhí cho biết, mỗi con bà thu mua có giá 50.000 đến 100.000 đồng, thậm chí có con mua đến 200.000 đồng tuy theo kích thước. Sau khi thu mua xong, bà bán lại cho các chủ nuôi tôm ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên với giá từ 250.000 đến 290.000 đồng/con.

Cấp thiết bảo vệ

Theo ngư dân xã đảo Tam Hải, mùa tôm hùm nhí bắt đầu tháng 11 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau. Tuy nhiên so với mọi năm trước, năm nay tôm hùm nhí xuất hiện ít hơn, vì trước đây mỗi ngày lặn biển mỗi ngư dân địa phương có thể bắt được hơn 100 con tôm nhí, thu thập lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên môi trường nước bị ô nhiễm nên tôm hùm lớn ít vào rạn đá để sinh sản vì vậy số lượng tôm hùm nhí cũng giảm dần.

tom2.jpg
Có giá trị kinh tế cao nên tôm hùm giống được ngư dân khai thác mạnh, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng. 

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, địa phương đang sở hữu vùng biển có hơn 90 ha rạn san hô với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải còn có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá mú và tôm hùm.

Hiện toàn xã có hơn 200 hộ dân khai thác tôm hùm giống. Có giá trị kinh tế cao nên tôm hùm giống được ngư dân khai thác mạnh, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng. 

Đáng báo động là tình trạng ngư dân đục lỗ trên rạn san hô để nhử tôm hùm con chui vào ẩn nấp. Điều này gây ra hậu quả kép, vừa tàn phá rạn san hô, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể sinh vật và hủy hoại hệ sinh thái biển, làm mất nơi trú ẩn, sinh sản của các nguồn lợi hải sản khác.

tom3.jpg
Hiện toàn xã Tam Hải có hơn 200 hộ dân khai thác tôm hùm giống.

Chính quyền địa phương đã có thông báo, vận động người dân không khai thác tôm hùm nhí từ đầu tháng 4 đến tháng 7 để bảo vệ loài tôm hùm của biển khơi và bảo vệ nguồn giống thủy sản ở vùng biển địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn phát hiện và xử phạt 8 trường hợp khai thác rong mơ và tôm hùm giống khi còn quá non và không đúng mùa vụ.

“Hiện nay địa phương đang phối hợp với Viện Hải dương học để tiến hành điều tra xã hội học khảo sát, thu thập số liệu, xây dựng quy hoạch chi tiết để thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải, tạo sinh kế bền vững cho người dân nhằm gìn giữ đa dạng sinh thái biển. Khi đó, người dân ý thức quyền lợi, trách nhiệm, cùng chung tay bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên”, ông Hùng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Khai thác cần gắn liền với bảo vệ hệ sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO