Quảng Nam: Kêu trời vì trang trại heo gây ô nhiễm

14/02/2017 00:00

(TN&MT) - Đã 3 năm nay, những người dân ở thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phải chịu đựng mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm vì trang trại nuôi heo rộng khoảng 4ha (với gần 5.000 con heo sinh sản và hậu bị) đặt ngay tại khu dân cư. Điều đáng nói ở đây là đơn vị nuôi heo đã lợi dụng danh nghĩa của UBND tỉnh Quảng Nam để hoạt động trong khi chưa có giấy phép xả nước thải ra môi trường do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp khiến bà con nhân dân “kêu trời không thấu”.

Sọ lợn chết vương vãi trên đất người dân
Sọ lợn chết vương vãi trên đất người dân

Ô nhiễm môi trường trầm trọng, dân kêu trời

Theo phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của trang trại chăn nuôi heo Đại Chánh, chúng tôi tìm đến thôn Thạnh Phú trong tiết trời đẹp những ngày đầu năm mới Đinh Dậu.

Gặp chúng tôi, chị Hòa, chủ quán nước ngay đầu thôn bức xúc: tình trạng ô nhiễm môi trường không phải diễn ra trong ngày một ngày hai mà diễn ra trong nhiều năm trời. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc mỗi ngày. Mỗi lần công ty thực hiện xả thải, cá lại chết trắng dưới khe. Nước giếng khoan nhà chị khoan sâu đến 31m, nằm sâu dưới các tầng ngầm, trước đây đi đâu về bơm lên uống trực tiếp một ngụm tỉnh hẳn cả người. Sau khi trang trại heo hoạt động, nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề, nước bơm lên để vài tiếng bắt đầu xuất hiện màu đỏ, sau đó kết tủa đen kịt, không thể dùng được nữa.

Đến bò người dân cũng gầy trơ xương vì bị ô nhiễm vùng đất
Đến bò người dân cũng gầy trơ xương vì bị ô nhiễm vùng đất

Bà Nguyễn Thu, năm nay 72 tuổi vừa đưa 2 tay bóp trán vừa cười như mếu: mùi hôi thối diễn ra hàng ngày khiến mọi người, từ già đến trẻ ai cũng bị đau đầu, tức ngực. Như tui đây bị viêm xoang, đau đầu nặng, con cháu cũng bị mùi hôi hành hạ, học hành không vô nên lực học giảm sút rất nhiều.

Một người đàn ông trung niên tếu táo kể câu chuyện bi hài: thôn này, nguyên ban đầu là thôn Thạnh Phú, nghĩa là hưng thịnh, trù phú, khi mới có trại heo người ta gọi là thôn heo, sau thúi quá nên gọi là thôn thúi. Những người nơi khác chỉ nghe tên gọi thôi đã sợ, không dám cho con cái dựng vợ gả chồng ở nơi này nên thanh niên bị ế rất nhiều và giờ lại có tên mới là thôn thúi ế. Nghe xong câu chuyện tếu đó, nhiều người cúi đầu không nói, mỗi người trầm tư một suy nghĩ.

Hố chôn lấp heo chết sơ sài, không che đậy
Hố chôn lấp heo chết sơ sài, không che đậy

Thấy không khí có vẻ trầm lắng, anh Mai Hồng, người dân thôn Thạnh Phú chạy vội về nhà ngay gần đó xách ra 2 đôi ủng và nói: để tui dẫn chú đi quanh một vòng “tham quan” trang trại. Phải đi ủng vào vì có nơi nước thải ngấm ra cao tới gần gối. Vừa dẫn chúng tôi đi, anh Hồng vừa tâm sự: việc gây ô nhiễm môi trường của trang trại heo đã diễn ra trong thời gian rất dài, trước đây, người dân trong thôn đã vài lần đứng ra chặn đường vận chuyển thức ăn, vẫn chuyển heo của trang trại. Tuy nhiên, sau đó chính quyền địa phương đã xuống không cho người dân chặn đường, còn đại diện phía trang trại thì hứa sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Mới hôm trước, trang trại xả thải phân heo xuống lòng khe, tôi phải chạy lên phản ánh họ với tạm ngưng, nhưng đêm đến lại lén lút xả thải khiến mùi hôi lại càng thêm nồng nặc. Một số người lại nói đó là công ty của UBND tỉnh nên bà con giờ rất tuyệt vọng. Vừa nói, anh vừa chỉ tay vào tấm biển của công ty. Quả thực, trên tấm biển được xây kiên cố, phía trên có dòng chữ rất lớn: UBND tỉnh Quảng Nam, phía dưới có dòng chữ: “Trang trại chăn nuôi Đại Chánh” đã khiến cho mọi người lầm tưởng đây là một trang trại chăn nuôi trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, tạo nên bức bình phong che đậy những sai phạm trong lĩnh vực môi trường.

Tấm biển lợi dụng danh nghĩa UBND tỉnh Quảng Nam
Tấm biển lợi dụng danh nghĩa UBND tỉnh Quảng Nam

Sau hơn 1 tiếng dẫn tôi đi “tham quan” vòng quanh phía ngoài trang trại lợn rộng 4ha, “thưởng thức” mùi hôi thối nồng nặc từ trang trại xông ra, từ dưới đất xông lên và lội dưới lớp nước thải lầy nhầy, đen kịt, có nơi cao đến gần đầu gối, hòa lẫn tiếng lợn kêu eng éc inh tai, anh Hồng dẫn tôi tấp vào nhà anh Nguyễn Lê, ở đội 2, thôn Thạnh Phú. Dù mới ngoài 40, nhưng tóc anh Lê đã bạc gần hết, khi thấy tôi nhìn vẻ tò mò, vừa rót nước anh vừa than thở: không già sao được ngày đêm bị tra tấn, ngày không thể ăn, đêm không thể ngủ vì mùi hôi thối của phân lợn, nước thải ô nhiễm tràn lan khắp sân vườn. Nhiều khi dịch bệnh, lợn chết nhiều quá chôn không xuể, công ty quẳng ra bờ rào khiến không khí lại càng thêm ô nhiễm trầm trọng. Lắm lúc, chó mèo tha về nguyên chiếc đầu lợn dòi bò lúc nhúc, ngày đó coi như nghỉ ăn luôn. Nhà ông Bùi Linh có vườn giáp ranh với trang trại lợn, bị công ty vứt lợn chết qua, ông cự cãi với họ, rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Túc quá ông bỏ xứ đi, giờ lên Đăk Nông làm ăn rồi, con trai ông cũng vậy giờ đi biệt xứ rồi. Bà Nguyễn Thị Lệ, chị em vợ ông Bùi Linh cũng xác nhận điều này: Tết về nhà mấy hôm, ông kêu chán lại bỏ đi rồi. Quanh đây, nhiều người cũng vì ô nhiễm đã bỏ xứ ra đi, chỉ những người không biết đi đâu mới ở lại. Đất đai ô nhiễm không thể trồng cấy, trâu bò nuôi cũng bị chết dần, chết mòn, do uống phải nước thải, có nhà chết đến 4 con trong thời gian ngắn như nhà ông Nguyễn Lãnh, Đặng Công.

Ruộng nhà ông Nguyễn Lê nước thải ngập tới gần đầu gối
Ruộng nhà ông Nguyễn Lê nước thải ngập tới gần đầu gối

Trang trại ngang nhiên hoạt động khi chưa có giấy phép xả thải

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Huấn- Phó phòng TN&MT huyện Đại Lộc lắc đầu ngao ngán: “Trang trại lợn ở xã Đại Chánh do Công ty TNHH Tiến Đại Hưng là chủ đầu tư, sau chuyển cho một công ty Thái Lan sử dụng làm trang trại chăn nuôi lợn sinh sản siêu nạc với số lượng khoảng 700 con và lợn hậu bị khoảng 4.000 con. Trong quá trình trang trại hoạt động, đã nhiều lần bà con phản ánh về tình trạng mùi hôi, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, có lần bà con đã chặn đường không cho trang trại hoạt động khiến chính quyền huyện phải can thiệp. Huyện cũng đã thành lập nhiều đoàn và nhiều lần kiểm tra, lần gần đây nhất là ngày 18/11/2016 và phát hiện ra nhiều lỗi vi phạm như: trang trại có phát sinh mùi hôi từ khu vực chăn nuôi, các công trình xử lý nước thải và hồ điều hòa; hố hủy thịt heo chưa đảm bảo vệ sinh, chưa có mái che; đã xây dựng kho chứa chất thải nguy hại, tuy nhiên khối lượng chất thải nguy hại tại kho chứa ít hơn so với phát sinh thực tế...”.

Hồ sinh thái bốc mùi hôi, đầy rêu tảo và sụ khí, không hoạt động
Hồ sinh thái bốc mùi hôi, đầy rêu tảo và sụ khí, không hoạt động

Khi được hỏi về giấy phép xả thải ra môi trường đã có hay chưa, sao không ghi vào biên bản làm việc, chị Nguyễn Thị Ánh Thi, chuyên viên phòng TN&MT huyện khẳng định: trang trại chưa có giấy phép xả thải ra môi trường do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp, còn không ghi vào biên bản là do: “lần nào kiểm tra cũng không có nên... thôi”.

Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Kêu trời vì trang trại heo gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO