Quảng Nam: Kênh mương xuống cấp, ruộng đồng “khát”

20/08/2019 12:54

(TN&MT) - Trong khi hạn hán kéo dài, thì nhiều hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xuống cấp nghiêm trọng không thể cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp khiến cho nhiều cánh đồng tại tỉnh Quảng Nam phải bỏ hoang. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí nâng cấp kênh mương lại gặp nhiều vướng mắc.

Nhiều diện tích đất lúa bị bỏ hoang, xen lẫn là cơ man cỏ dại
Nhiều diện tích đất lúa bị bỏ hoang, xen lẫn là cơ man cỏ dại

Lãng phí tài nguyên đất

Năm 2018, phường Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tiến hành dồn điền đổi thửa hơn 30ha diện tích đất lúa trên cánh đồng Phong Nhị với bờ thửa vuông vức. Tuy nhiên, do thiếu nước, nhất là khu vực cuối kênh KN5 dẫn đến sản lượng lúa không đạt, một số hộ dân đã bắt đầu bỏ ruộng.

Theo ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện An, kênh KN5 xuống cấp, hư hỏng nên không thể dẫn nước về đồng, khô hạn nên bà con bỏ ruộng hết. Ước tính diện tích đất ruộng bị bỏ hoang tại cánh đồng Cây Đa Gò đã hơn 1ha, và diện tích bỏ hoang chắc chắn không dừng ở đó. Bởi có gieo trồng thì cũng không có nước, nhất là khô hạn diễn ra ngày càng khốc liệt. 

“Nước trạm bơm không thiếu nhưng do kênh dẫn đắp bằng đất nên nước bị thẩm thấu, thất thoát hết ra ngoài, bây giờ chỉ còn cách nâng cấp bê tông hóa lại mới khắc phục tình trạng này”- ông Sơn nói.

Mấy ngày nay, cứ mỗi ra thăm đồng, ông Trịnh Văn Phú người dân khối phố Phong Nhị (phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không khỏi xót xa nhìn 2 sào ruộng đang ngả sang màu vàng úa, cằn cỗi do thiếu nước. Ông Phú cho biết, hầu hết ruộng lúa nơi đây dùng nước tưới từ hệ thống kênh KN5 được đắp từ năm 1985 nhưng chừng hơn 5 năm trở lại đây kênh xuống cấp sạt xệ, hang cua, hang rắn nhiều, nước thẩm thấu ra ngoài hết nên mấy đám ruộng cuối kênh luôn trong tình cảnh thiếu nước

“Nếu tình trạng này kéo dài 1-2 năm nữa người dân sẽ bỏ ruộng vì tốn công, phân, thuốc, chi phí mỗi ngày mỗi cao mà hiệu quả lại thấp. Có đám mới sạ 20 - 30 ngày đã phải bỏ hoang cỏ mọc do không có nước”- ông Phú buồn rầu.

Tại Điện An, ngoài kênh KN5 xuống cấp, còn có thể kể đến các kênh KN4, KN2 do chưa được bê tông hoặc bê tông hư hỏng vì lâu ngày. Không có nước tưới, hàng chục hecta đất nông nghiệp tại đây phải bỏ hoang. Nhiều ruộng lúa không héo úa thì cũng mọc thấp, cao cằn cỗi, xen lẫn là cơ man cỏ dại, gây lãng phí lớn tài nguyên đất.

Không chỉ thị xã Điện Bàn, hệ thống kênh mương thủy lợi xuống cấp đang là vấn đề cấp thiết của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam. Bởi, nhiều kênh mương hiện nay ở Quảng Nam là kênh mương đất được xây dựng từ hơn 30 năm trước nên đều đã xuống cấp, thẩm thấu, thất thoát nước ra ngoài. Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thừa nhận, trong số 110 km kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện, tỷ lệ bê tông hóa mới chiếm khoảng 70%, số còn lại làm dần từng năm từ nguồn xây dựng nông thôn mới.

“Theo tôi, hiện đại hóa nông nghiệp đầu tiên phải là bê tông hóa kênh mương và giao thông nội đồng, nhưng vướng nhất là kinh phí”- ông Khánh nhìn nhận.

Hệ thống kênh N5 xuống cấp không thể dẫn nước về đồng
Hệ thống kênh N5 xuống cấp không thể dẫn nước về đồng

Nhiều vướng mắc trong việc nâng cấp

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, dù bình quân mỗi năm thị xã bố trí gần 9 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 10km kênh mương trên địa bàn nhưng cũng không thể khắc phục tất cả, vì nhiều hệ thống kênh mương đất đã được đào đắp từ 30 - 40 năm trước. Chưa kể, những vướng mắc trong việc phân cấp quản lý các hệ thống kênh mương giữa địa phương với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam cũng dẫn đến sự chậm trễ trong việc nâng cấp, sửa chữa kênh mương.

Theo ông Chơi, tại Điện An hiện có 2 hệ thống kênh là KN5 và KN4. Theo quy định của tỉnh, kênh mương KN 4 cung cấp trên 30 ha lúa sẽ giao cho Công ty TNHH MTV khai thác Thuỷ lợi Quảng Nam quản lý; kênh KN 5 cung cấp nước dưới 30 ha phường, thị xã quản lý. Tuy nhiên, thực tế diện tích các cánh đồng tại Phong Nhị, nơi hệ thống kênh mương KN5 cung cấp đã gần 50 ha. Việc phân cấp nhầm này khiến địa phương không thể đầu tư nâng cấp dù nguồn kinh phí đã được bố trí.

“Hệ thống KN5 sẽ phải hoán đổi chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam quản lý, ngược lại mình sẽ quản lý kênh KN4. Khi nào có quyết định phân cấp lại của UBND tỉnh thì Điện Bàn mới có cơ sở lập dự án đầu tư bê tông được”- ông Chơi nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam cho rằng, kinh phí có hạn nên chỉ tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống các kênh chính. Riêng việc hoán đổi quản lý giữa kênh KN4 và KN5 tại phường Điện An, khi nào có quyết định của tỉnh công ty sẽ tiếp nhận đầu tư làm để bà con đủ nước canh tác, còn hiện tại về mặt pháp lý kênh KN5 vẫn do Điện Bàn quản lý, nên nếu có kinh phí thì thị xã cứ đầu tư làm trước, chứ không thể trông chờ đơn vị.

“Trong số 800 km kênh mương công ty quản lý, cũng chỉ khoảng 60% kênh được bê tông còn lại là kênh mương đất. Dù vậy, do kinh phí tu sửa nâng cấp kênh mương mỗi năm của công ty chỉ khoảng 10 tỷ đồng nên chủ yếu tập trung vào hệ thống các kênh cấp I, cấp II, III (kênh chính), nhưng hiện cũng còn gần 40% kênh mương chưa được bê tông hóa.”- ông Hải cho biết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Kênh mương xuống cấp, ruộng đồng “khát”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO