“Thích ứng với thiên nhiên”
Nằm ở hạ lưu của sông Thu Bồn, làng Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam luôn phải đối diện với tình trạng sạt lở đất do mưa lũ. Theo số liệu đo đạc của cơ quan chức năng, năm 2001, tổng diện tích đất ở của thôn Triêm Tây là 40ha nhưng đến năm 2017 chỉ còn 12,8ha. Như vậy, qua 16 năm, đất ở của người dân Triêm Tây đã bị sông Thu Bồn "ngoạm" mất 27,2 ha... Trước thực trạng đó, Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International đã đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là triển khai kè mềm để bảo vệ làng.
Theo TS Ngô Anh Đào - Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International, thay vì sử dụng những kè cứng (đá, thép, xi măng), bà đưa ra ý tưởng thiết kế kè sinh thái đầu tiên của mình bằng cách nhìn vào cấu trúc tự nhiên mà thực vật sử dụng để tồn tại trước những sự thay đổi môi trường. Hay nói ở ngôn ngữ thời hiện đại bây giờ là “thích ứng với thiên nhiên” chứ không phải “chinh phục thiên nhiên”. Chính vì thế, đơn vị đã sử dụng thảm thực vật thực vật bản địa và vật liệu thân thiện với môi trường kết hợp với kỹ thuật ổn định bờ phù hợp với điều kiện thực tế và không gian thực tế để xây dựng kè.
“Kè sinh thái bảo vệ đê điều không đơn giản là trồng cây vào đó. Hiện kỹ thuật cảnh quan, bảo vệ bờ nước rất quan trọng nhưng tại Việt Nam lại rất thiếu. Vấn đề mấu chốt là sự tiếp giáp giữa nước và bờ, làm sao để tạo thành một là hệ sinh thái ven bờ, là ngôi nhà để các loài động, thực vật ven bờ sinh vật cư ngự. Đấy mới gọi là kè sinh thái và chúng tôi gọi tên là kè An Nhiên”- TS Ngô Anh Đào chia sẻ.
Trong dự án của mình, TS Ngô Anh Đào và đối tác là chị Vũ Mỹ Hạnh đã triển khai trồng một khu rừng đa loài và đa tầng, với ba vùng: vùng ngập mặn, vùng đất dốc (taluy) và vùng đất phía trong. Tương ứng mỗi vùng là các loại cây tiên phong, đều là cây bản địa lâu năm. Từ ngoài sông vào, ở vùng ngập mặn, trồng sậy nước (dân địa phương gọi là cỏ dùi), bần chua. Vùng đất dốc trồng cỏ búa, loại cỏ bản địa lâu năm mà thân có thể dài đến 2 mét, rễ dài gấp 2-3 lần thân. Vùng đất phía trong trồng phi lao, tre.
Tháng 3/2017, dự án hoàn thành và đến tháng 11/2017, trận lụt khủng khiếp - hệ quả của bão Damrey và việc xả tràn các đập ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam - đưa dòng nước lên cao và nhanh gần đạt mức lụt lịch sử những năm 1964, 1999, 2007, bờ kè bị hư hại chút ít, hàng bần phía ngoài bị trôi và lấp trong bùn, nhưng những cây còn lại vẫn đứng vững, cỏ búa che chở cho đất còn nguyên và những loài cây tiên phong vẫn đứng vững sau thảm họa. Đây là điều không thể có được với những bờ kè cứng bằng bêtông trước đây.
“Ưu điểm của kè sinh thái là hoàn toàn linh hoạt và thích ứng với các thách thức của tự nhiên, hiểm họa thiên tai - như là một hệ quả tất yếu của chọn lọc tự nhiên cho hệ thực vật bản địa. Về mặt kinh tế, kè mềm chứng tỏ tính ưu việt vì chi phí thấp hơn rất nhiều, thường chỉ bằng 1/10 giá thành so với kè cứng (bê tông, đá). Song đòi hỏi của kè mềm là công sức và sự hiểu biết, nghiên cứu và áp dụng linh hoạt, sáng tạo hệ thực vật bản địa và vật liệu địa phương.”- TS Ngô Anh Đào cho biết.
Nhân rộng dự án “xanh”
Bà Nguyễn Thị Phúc Hòa, một chuyên gia về quản lý rủi ro và thiên tai, cho biết bức tường cấu trúc xanh của kè An Nhiên là một ví dụ tốt về giải pháp khả năng thích ứng lâu dài đối với biến đổi khí hậu.
“Đê được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự nhiên mà hệ thực vật có thể sống sót sau thảm họa. Đây sẽ là một lựa chọn cho các khu vực ven biển, ven sông bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong tương lai, khi mọi người học cách sống với những gì từng được coi là thiên tai”- chuyên gia Nguyễn Thị Phúc Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, địa phương đang tìm kiếm các giải pháp xanh và bền vững để bảo tồn thành phố và cảnh quan thành phố đã được UNECO công nhận là di sản thế giới. Đê xanh An Nhiên được xem là biện pháp bảo vệ hiệu quả và bền vững cho các bờ sông của thành phố. Hiện thành phố đang hợp tác với Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International bắt đầu xây dựng một đoạn đê xanh 700m kết nối với 250m kè sinh thái đã được triển khai.
“Với giải pháp kè sinh thái chỉ tốn 1/3 diện tích của kèm cứng. Thành phố có kế hoạch thiết lập nhiều đoạn kè sinh thái để bảo vệ các khu vực dễ bị sạt lở nhất ở các làng Cẩm Kim và Cẩm Nam dọc theo sông Thu Bồn”- ông Hùng cho biết.
TS Ngô Anh Đào cho biết, trên thực tế nói chung, con người nên sử dụng phương pháp kè mềm để tạo không gian hài hòa với thiên nhiên. Càng đối chọi thiên nhiên, với sức công phá lớn của sóng, sức rút xoáy của sóng ngầm gây sạt lở... thì càng lãnh hậu quả lớn. Do đó, nên chọn những giải pháp “đón nhận” thách thức, giảm lực công phá của thiên nhiên bằng chính độ mềm mỏng của bờ đất và cây cỏ. Bà hy vọng giải pháp này sẽ ngăn chặn xói lở bờ sông và bảo vệ làng Triêm Tây trong các trận lụt ở tương lai.
“Tôi sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều loài cây có tác dụng tránh lũ để bảo vệ bờ sông ở các khu vực dễ bị tổn thương dọc ven biển miền Trung Việt Nam. Chúng ta hãy cư xử nhẹ nhàng với thiên nhiên, và nên học cách sống với thiên tai”- TS Đào chia sẻ.