Quảng Nam: Hướng đến du lịch không rác thải nhựa

Lan Anh| 09/09/2019 13:46

(TN&MT) - Sáng 9/9, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Phát triển du lịch bền vững với chủ đề “Không rác thải nhựa” nhằm mục tiêu tạo tiếng nói chung trong việc xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững ở Quảng Nam.

Hội thảo với sự tham dự hơn 200 đại biểu, trong đó có các diễn giả có uy tín trong nước và quốc tế; đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương và tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp du lịch và những nhà chuyên môn có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sự phát triển của ngành du lịch cũng đang đặt ra nhiều thách thức
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sự phát triển của ngành du lịch cũng đang đặt ra nhiều thách thức

Gia tăng áp lực môi trường từ lượng khách

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thế giới đang đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; bên cạnh đó, nhân tai cũng là đang là vấn đề nghiêm trọng, trong đó rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến tất cả các hệ sinh thái trên trái đất. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp, hành động quyết liệt.

Tại Quảng Nam, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 240 tấn/ năm, tương ứng với gần 660 tấn/ ngày. Lượng rác thải này đến từ nhiều nguồn phát thải khác nhau, trong đó có các cơ sở kinh doanh du lịch và thương mại chiếm tỷ lệ đáng kể. Tỉnh Quảng Nam hiện có 629 lưu trú, với 13.257 phòng, tập trung chủ yếu ở thành phố du lịch Hội An.

Hội thảo nhằm tạo tiếng nói chung trong việc xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững ở Quảng Nam
Hội thảo nhằm tạo tiếng nói chung trong việc xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững ở Quảng Nam

Đến năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ đón khoảng 8 triệu khách du lịch và thời gian tới, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi hạ tầng kinh tế xã hội, du lịch của tỉnh được hoàn thiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, sự phát triển của ngành du lịch cũng đang đặt ra nhiều thách thức, khi lượng khách đến đông thường đi kèm với sự gia tăng lượng rác thải khó phân hủy như chai lọ, bao bì nhựa. Vấn đề rác thải nhựa cũng đang cản trở việc địa phương khai thác phát triển các điểm du lịch ở biển đảo, những lòng hồ lớn.

“Đối với tỉnh Quảng Nam là một địa phương có nhiều di sản văn hóa thế giới, có khu DTSQ với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nếu chúng ta không chung tay bảo vệ môi trường giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp thì tương lai sẽ trả lời cho chúng ta những điều không có gì là tốt đẹp.”- ông Lê Trí Thanh nhìn nhận.

Đại biểu tham quan, trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với môi trường sử dụng trong ngành du lịch
Đại biểu tham quan, trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với môi trường sử dụng trong ngành du lịch

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tại 44 cơ sở tại các cơ sở lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, đã có 80% số DN thực hiện phân loại chất thải rắn. Các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động để phân loại, giảm thiểu rác thải cũng như tìm giải pháp tái chế, thay thế sản phẩm nhựa trong cộng đồng doanh nghiệp như bước đầu tự ủ phân, tạo chế phẩm sinh hoạc từ rác hữu cơ, làm xà phòng từ dầu thải.

Tuy nhiên, việc thu gom rác thải tại các cơ sở cũng còn nhiều bất cập. Công tác phân loại tái chế mới chỉ thực hiện được ở quy mô nhỏ chưa xây dựng được hệ sinh thái tái chế hiệu quả, chưa có nhiều sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc thay thế, chứ chưa hướng đến việc “tiết giảm”.

Ký kết thực hiện chương trình “Du lịch không rác thải nhựa”
Ký kết thực hiện chương trình “Du lịch không rác thải nhựa”

Biến thách thức thành cơ hội

Thời gian qua, Hội An là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc giảm thải rác thải nhựa, xây dựng môi trường du lịch thân thiện với nhiều ví dụ điển hình trong thực hành xử lý rác thải, nhất là các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Trong 5 năm qua, nhà hàng Sapo Hội An đã có cách làm hiệu quả để chuyển đổi khoảng 300 lít dầu dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải trực tiếp ra môi trường. Từ cuối năm 2018 đến nay, khu nghỉ dưỡng An Nhiên Farm đã tái chế khoảng 300 kg xà phòng dùng một lần, 1,5 tấn vải trắng tạo công ăn việc làm cho nhóm người khuyết tật qua đó thành các sản phẩm có ích, giảm trực tiếp lượng rác thải

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho rằng, việc giảm rác thải nhựa được các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Hội An rất quan tâm và có những hành động cụ thể. Đặc biệt, thách thức về rác thải đang được nhiều công ty du lịch ở Hội An biến thành cơ hội với những sản phẩm du lịch trải nghiệm nhặt rác ở các nhánh sông. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất cần có đơn vị cung cấp, sản xuất vật liệu thay thế chất thải nhựa với giá thành hợp lý.

Du lịch Quảng Nam hướng đến không rác thải nhựa
Du lịch Quảng Nam hướng đến không rác thải nhựa

Ông Micheal Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, khi đến với Hội An dịp này ông cảm nhận sự khác biệt rất nhiều khi chứng kiến một cộng đồng địa phương năng động, tích cực tham gia và được khuyến khích tham gia vào việc xây dựng giá trị của một điểm đến du lịch bền vững - đây là tầm nhìn vừa giúp khai thác vừa giúp gìn giữ và bảo vệ những kỳ quan văn hóa chung mà chúng ta cùng nhau đến để kỷ niệm.

“Với vai trò là đại sứ thúc đẩy sự thay đổi, ngành du lịch cần đi đầu trong việc đảm bảo giảm thiểu, giảm nhẹ những tác động tiêu cực từ du lịch đối với môi trường một cách bền vững. Đó là mục tiêu và ưu tiên chung của tất cả chúng ta chứ không riêng gì là vì lợi ích của khách du lịch, đó là vì lợi ích của cộng động, của môi trường tại địa phương và còn là vì tương lai của con cháu chúng ta để gìn giữ cho các thế hệ sau những di sản văn hóa được với những giá trị vẫn còn vẹn nguyên”- ông Micheal Croft đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Hướng đến du lịch không rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO