Quảng Nam: Hiện thực hóa giấc mơ cánh rừng gỗ lớn

Lan Anh| 18/11/2019 12:18

(TN&MT) - Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng, hạn chế phá rừng và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Quảng Nam đã khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn phát triển theo hướng liên kết chuỗi. Cách làm này bước đầu tạo được chuyển biến trong sản xuất nghề rừng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hướng đi mới

Ông Nguyễn Huy Cường (thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành) người có 4ha rừng gỗ lớn tại khu vực Gò Dúi với hơn 8.000 cây keo lai cho biết, gỗ rừng trồng đường kính còn nhỏ chỉ có thể bán để làm dăm gỗ cho nên giá trị khoảng 45 đến 50 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này chỉ mới giúp người dân sống được với nghề trồng rừng chứ chưa thể làm giàu. Vì vậy, phải tìm cách nâng giá trị cây rừng để tương xứng với công sức, vốn đầu tư và tiềm năng của vùng đất.

“Ðược cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tuyên truyền về trồng rừng gỗ lớn và từ kinh nghiệm trồng rừng của mình, tôi quyết định trồng rừng gỗ lớn có tỷ lệ sống cao, ít sâu bệnh, bán giá cao hơn”– ông Cường chia sẻ.

Trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng rừng

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hàng năm đạt khoảng 1.000.000m3, năng suất bình quân 70-75m3/ha/chu kỳ 5 năm. Trong khi đó, với chu kỳ rừng trồng gỗ lớn từ 10-12 năm, sản lượng bình quân có thể lên tới 250m3/ha, mang lại doanh thu bình quân từ 300-350 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận tăng khoảng 18-25 triệu đồng/ha/năm.

Như vậy, trên cùng một diện tích rừng thì kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ chỉ dài thêm 5-7 năm so với gỗ dăm nhưng mang lại giá trị rừng cao hơn gấp 2,5-3 lần.

Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển lâm nghiệp để cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ… Tuy nhiên, đến nay tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh mới chỉ được 3.019ha.

Để thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo quyết định 33/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí gần 600 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn 2019-2020, tỉnh Quảng Nam có mục tiêu quan trọng đưa tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000 ha và tổng diện tích hỗ trợ cấp chứng chỉ Hội đồng quản trị rừng thế giới (chứng chỉ FSC) đạt hơn 9.300ha; đưa tăng trưởng rừng đạt 20m3/ha; nâng doanh thu kinh doanh rừng lên từ 20-25 triệu đồng/ha/năm, xây dựng một trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao với diện tích 3ha…

Mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn FSC tại HTX nông nghiệp Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức.

Liên kết thúc đẩy chuỗi giá trị

Việc trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, để tạo sinh kế giúp họ vươn lên thoát nghèo. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp, HTX Nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn từ việc trồng rừng đến bao tiêu sản phẩm, nhất là ở các huyện miền núi. 

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) cho biết, thời gian qua, Công ty đã cung cấp miễn phí cây giống trồng mới 860ha thông qua tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh; hỗ trợ tiền nhân công chuyển hóa rừng 01 triệu đồng/ha trên tổng số 1.500ha rừng gỗ nhỏ (từ 4-6 năm tuổi) thành rừng gỗ lớn (từ 8-10 năm tuổi) thông qua gói tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh; Công ty tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chuyển hóa rừng gỗ lớn.

Công ty cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Nếu gỗ đạt chứng chỉ FSC thì Công ty sẽ mua cao hơn từ 10-15% so với giá thị trường tùy theo chất lượng của sản phẩm.

Sự xuất hiện của nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam dần hiện thực hóa giấc mơ cánh rừng gỗ lớn.

Ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam phân tích, người trồng rừng sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp khi tham gia chuỗi giá trị, bởi gỗ làm ra không sợ bị các đầu nậu ép giá, thậm chí được Công ty mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Có nhà máy tiêu thụ gỗ kéo theo ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng chỉ số về công nghiệp cho địa phương. 

“Sắp tới UBND tỉnh phải mạnh mẽ tích tụ đất rừng từ quỹ đất mà địa phương quản lý để doanh nghiệp thuê trồng rừng gỗ lớn. Sớm thành lập hội chủ rừng của tỉnh và của huyện hay hợp tác xã để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người đại diện nhằm ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Cạnh đó, Chính phủ cần triển khai chính sách cho vay vốn trồng rừng đối với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn và chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng.” – ông Hùng kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh Quảng Nam ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác công tư cũng như tạo điều kiện giúp người trồng rừng tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn để trồng rừng theo hướng FSC với hiệu quả cao hơn. Việc phát triển trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần tạo sinh kế cho người dân miền núi vươn lên thoát nghèo, hạn chế phá rừng, thúc đẩy kinh tế tỉnh Quảng Nam phát triển...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Hiện thực hóa giấc mơ cánh rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO