Môi trường

Quảng Nam: Giữ lại dấu chân Sao La - "Kỳ lân châu Á"

Lan Anh 05/11/2024 - 09:54

(TN&MT) - Sao la, loài thú quý hiếm với danh xưng "Kỳ lân Châu Á" đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng giữa những cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ. Sự tái xuất hiện của Sao la trong rừng già ở Quảng Nam vào năm 2013 sau hàng thập kỷ vắng bóng đã thắp lên tia hy vọng cho công cuộc bảo tồn và mở ra một hành trình đầy thử thách tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam.

Những dấu chân thầm lặng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách của cánh rừng già bất kể ngày mưa dầm dề hay ngày hè oi bức, đôi tay rớm máu gỡ những chiếc bẫy thú... Đó là hình ảnh thường nhật của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Khu bảo tồn (KBT) Sao la Quảng Nam. Họ được xem là những người hùng "chiến đấu" vì sự tồn vong của rừng, chống lại các hành vi vi phạm vào KBT Sao la, bảo vệ hệ sinh thái và những giá trị đa dạng sinh học tại nơi được gọi là ngôi nhà lớn nhất của loài Sao la ở Việt Nam.

5b.jpg
Nhóm tuần tra bảo vệ rừng KBT Sao la đặt bẫy ảnh trong lâm phận quản lý.

Sao la là một trong những loài thú lớn đặc hữu, sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp hạng mức nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ của Việt Nam.

Vào năm 1992, loài Sao la xuất hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Mãi đến 15 năm sau (2013), tại KBT Sao la Quảng Nam, bằng máy ảnh cảm biến, WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) đã phát hiện một con Sao la đang đi ăn. Kể từ đó không ghi nhận thêm thông tin gì mới về sự xuất hiện của loài này.

Việc tái phát hiện Sao la tại vùng rừng sâu của tỉnh Quảng Nam không chỉ thắp lên tia hy vọng cho công cuộc bảo tồn, mà còn mở ra một hành trình đầy thử thách tại KBT Sao La Quảng Nam.

Xem rừng như là nhà, Phan Thành Vinh - một cán bộ trẻ tuổi, công tác tại Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam chia sẻ: Khó khăn vất vả thì nhiều lắm, như là mỗi chuyến tuần tra thường kéo dài 5 - 8 ngày trong rừng. Mỗi đợt tuần tra từ 5 - 6 thành viên, ba lô mỗi người phải cõng gần 20kg vượt đèo, lội suối. Đi tuần tra phải ở lại trong rừng nên phải xa gia đình, không có sóng điện thoại, ăn ngủ túc trực trong rừng nên thiếu thốn nhiều thứ,...

"Nếu chẳng may đang đi làm nhiệm vụ mà bị ốm, trường hợp cảm nhẹ thì có thuốc, còn nặng thì anh em bắt buộc phải khiêng ra ngoài để có đội ngũ y tế điều trị. Nguy hiểm nữa là bị sự cố tai nạn khi leo thác, trượt dốc hay bị rắn độc cắn. Công việc tuy vất vả nguy hiểm nhưng mình đã cống hiến gần 10 năm tuổi nghề rồi nên tự thấy quen và yêu công việc hơn"- anh Vinh nói.

Quản lý hơn 15.000ha rừng trải dài trên hai huyện Đông Giang và Tây Giang là một nhiệm vụ đầy thách thức. Những mối đe dọa chính đến từ các hoạt động săn bắt trái phép, xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ, và cháy rừng. Địa hình chia cắt và thời tiết khắc nghiệt khiến việc tuần tra của các lực lượng bảo vệ rừng KBT Sao la trở nên vô cùng khó khăn.

"Để tuần tra rừng, anh em phải đi bộ nhiều ngày, ăn ngủ tại rừng, thiếu thốn đủ thứ, họ vẫn hết mình làm nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn những hành vi săn bắt động vật, khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng.", ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam chia sẻ.

Đưa bẫy ra khỏi rừng

Hơn 10 năm trước, KBT Sao La Quảng Nam được ví như tọa độ nóng về nạn săn bắt động vật hoang dã. Chính vì vậy nên nhiều động vật quý hiếm cũng dần mất đi hoặc di cư đi nơi khác. Tỉnh Quảng Nam quyết định đóng cửa rừng, thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách, cùng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát.

Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la Quảng Nam cho biết, những năm đầu thành lập, đơn vị xử lý rất nhiều vụ vi phạm và tháo gỡ hàng nghìn chiếc bẫy thú mỗi năm. Để hạn chế tình hình này, KBT đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã, phòng cháy chữa cháy rừng,... bằng nhiều hình thức. Trong đó tập trung tuyên truyền cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, cộng đồng vùng đệm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sao la và công tác bảo vệ rừng trong trường học; tọa đàm cùng cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín...

Sinh kế bền vững từ rừng, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng ở KBT Sao la đã nhắc nhau, khi đi rừng, phát hiện bẫy thú phải nhanh chóng tháo gỡ và đưa ra khỏi rừng. Dần dà nếp nghĩ, cách làm này thay đổi tập quán của nhiều hộ dân.

"Trong năm 2023, Ban Quản lý KBT Sao La giao khoán gần 8.700ha cho 14 cộng đồng, tổ dân phố. Trong đó, tổng diện tích giao khoán chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 (quy đổi theo hệ số K) là gần 8.230ha với số tiền chi trả cho cộng đồng nhận khoán gần 5,43 tỷ đồng. Nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp bà con cải thiện thu nhập mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng thông qua các hoạt động tuần tra, giám sát"- ông Lê Hoàng Sơn cho biết.

Các chương trình giáo dục cho trẻ em cũng được Ban quản lý KBT Sao la chú trọng, nhằm xây dựng một thế hệ mới có ý thức và trách nhiệm với môi trường. Những bài học về giá trị của loài Sao la, sự quý hiếm và vai trò quan trọng của chúng trong hệ sinh thái đã được lồng ghép vào chương trình giảng dạy tại các trường học địa phương. Điều này không chỉ giúp bảo tồn Sao la mà còn góp phần bảo vệ những giá trị sinh thái khác trong khu vực.

Để phát hiện và nắm bắt kịp thời các hoạt động săn bắt trái phép động vật hoang dã cũng như phá hủy môi trường tự nhiên, Ban quản lý KBT đã sử dụng công nghệ Smart giúp giám sát, thu thập và phân tích dữ liệu về các mối đe dọa Sao la và môi trường sống của chúng, cũng như của các loài động vật khác trong KBT. Camera trap (máy chụp hình tự động) cũng được sử dụng để ghi lại hình ảnh và video của loài Sao la về hành vi, sinh thái học và phân bố; giúp chúng ta hiểu hơn về tập tính, môi trường sống và quan hệ với các loài khác của Sao la, từ đó đưa ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả hơn.

Những cánh rừng cho các loài hoang dã trên dãy Trung Trường Sơn đang dần được xanh lại. Và các vụ việc tác động vào rừng trong thời gian qua giảm đi rõ rệt về số vụ và cả quy mô. Hi vọng rằng với sự chung tay của của các cơ quan bảo tồn và cộng đồng để giữ rừng tốt hơn thì một ngày không xa, chúng ta sẽ được nhìn thấy loài vật huyền thoại ngoài tự nhiên như thông điệp mà WWF đã đưa ra "Giữ rừng nguyên vẹn - tái hẹn Sao la".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Giữ lại dấu chân Sao La - "Kỳ lân châu Á"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO