Quảng Nam: Gian nan “cuộc chiến” bảo vệ môi trường sinh thái biển

Lan Anh| 26/10/2020 11:11

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực và có những chế tài mạnh đối với việc đánh bắt thủy sản bằng các hình thức tận diệt. Tuy nhiên, với vùng biển trải dài hàng trăm km, việc kiểm soát đánh bắt của ngư dân, bảo vệ môi trường sinh thái biển vẫn là bài toán nan giải của Quảng Nam.

Tận diệt hải sản, hủy hoại môi trường biển

Nhận thấy được mối nguy hại của nghề khai thác giã cào đối với hệ sinh thái biển, từ năm 2014, tỉnh Quảng Nam đã không cấp giấy phép mới, tàu cá cải hoán hoặc tàu cá mua lại cho tàu cá khai thác theo hình thức này. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho ngư dân địa phương vay, đóng mới tàu cá công suất vươn khơi khai thác bằng các nghề phù hợp, chuyển đổi nghề nghiệp thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thực trạng khai thác hải sản theo phương thức tận diệt tại địa phương vẫn chưa kiểm soát được. Nhiều số tàu cá dù đăng ký hành nghề khác vẫn lén lút trang bị các phương tiện để hành nghề giã cào.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 3.042 tàu cá nhưng chủ yếu khai thác ở vùng lộng và vùng bờ

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 đợt tuần tra trên sông, 6 đợt tuần tra trên biển, 2 đợt phối hợp với Bộ đội Biên phòng, bắt quả tang 28 vụ vi phạm. Qua đó, đơn vị đã tiến hành vử lý phạt hơn 205 triệu đồng, đồng thời, tịch thu 5 bộ kích điện, 4 bình ắc quy 12v-24Ah và 1 lưới giã. Nhưng, những con số này vẫn chưa phản ánh hết được tất cả vì còn gặp nhiều khó khăn như lực lượng thanh tra mỏng, chỉ có thể xử phạt khi bắt được quả tang...

Không chỉ sử dụng xiệp, xung điện, giã cào trong vùng biển ven bờ và vùng lộng, đáng báo động hơn, ngư dân còn liều lĩnh khai thác hải sản trái phép ở các khu bảo tồn. Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện tàu cá QNa-02242 do ông Nguyễn Quốc Liên (xã Duy Hải, Duy Xuyên) cùng 3 lao động biển câu cá trái phép ở khu vực Bãi Bắc (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Hành vi câu cá tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt này là sai phạm nghiêm trọng.

Nguồn lợi hải sản ở Quảng Nam có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng

TS.Chu Mạnh Trinh - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu & hợp tác quốc tế (khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết, khai thác hải sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và các khu vực có sự phân bố của các hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển hoặc các vùng đáy mềm sẽ làm hư hại, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chúng. Từ đó, làm giảm sự đa dạng sinh học môi trường biển, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sự phát triển của các loài thủy sản. Đây là hành vi đã bị cấm theo pháp luật, cần được xử lý triệt để. 

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam những năm gần đây, nguồn lợi hải sản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng, chất lượng. Qua theo dõi, điều tra nguồn lợi, nhiều loài hải sản giá trị kinh tế cao có tần suất xuất hiện rất thấp, nhất là nhóm hải sản tầng đáy. Cường lực khai thác hải sản ở các vùng biển xa đã vượt quá mức so với khả năng cho phép của trữ lượng hải sản. Vì thế, sản lượng hải sản khai thác được của ngư dân đạt thấp, giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển không cao. Đây là những hệ lụy rõ nhất từ nạn khai thác tận diệt diễn ra lâu nay ở Quảng Nam.

Nỗ lực ngăn chặn

Gắn bó với nghề giã cào hơn chục năm, ngư dân Đặng Viết Tường, xã Tam Tiến, Núi Thành đã mạnh dạn chuyển sang đóng tàu công suất lớn để hành nghề chụp mực. Ông Tường cho biết, mấy năm gần đây, trữ lượng hải sản ven bờ cạn kiệt, làm ăn thua lỗ. Từ khi chuyển sang đánh bắt xa bờ, tàu cá của ông Tưởng đã thực hiện được 4 chuyến đi biển dù chưa có lãi nhiều, nhưng ông vẫn hy vọng những chuyến biển sau sẽ đánh bắt hiệu quả hơn.

“Biết rằng nghề giã cào đã không còn phù hợp nên tôi quyết định vay vốn để đóng mới tàu cá hành nghề khác. Cũng mừng, chuyển qua nghề câu, cái lợi thứ nhất là được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu mỗi đợt ra khơi; thứ 2 là nghề này chỉ cần một nửa số lao động so với nghề giã cào nên chủ tàu sẽ dễ xoay xở hơn trong khi nghề biển đang thiếu lao động trầm trọng như hiện nay”- ông Tưởng cho biết.

Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm, cơ bản trong tiến trình tái cơ cấu ngành thủy sản ở Quảng Nam

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, cần phải tái cơ cấu nghề cá theo hướng giảm bớt số phương tiện sản xuất gần bờ để khai thác bền vững; quy hoạch các loại vùng biển khác nhau với quy định cấm khai thác, khai thác vào mùa nào, khai thác bao nhiêu, loại hình nào được khai thác, tất cả đều phải quy định chặt chẽ. Đó là cách để dần hồi phục nguồn lợi, trữ lượng hải sản, cũng như các loài cá quý hiếm có nguy cơ bị tận diệt.

Theo định hướng năm 2021, tỉnh Quảng Nam đang xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản theo hướng hiện đại, tuân thủ luật pháp quốc tế, từng bước hiện đại hóa nghề cá trong các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó, gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng nước, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về khai thác, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

Địa phương đang thực hiện tái cơ cấu nghề cá theo hướng giảm bớt số phương tiện sản xuất gần bờ để khai thác bền vững

“Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm, cơ bản trong tiến trình tái cơ cấu ngành thủy sản ở Quảng Nam. Do đó, chúng tôi sẽ chú trọng tổ chức lại khâu quản lý tàu cá, quản lý nghề khai thác, mùa vụ khai thác, ngư trường khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi hải sản của từng vùng biển. Giám sát và kiểm tra việc khai thác thủy sản của tàu thuyền trên các vùng biển, giảm mạnh cường lực khai thác gần bờ, bảo đảm duy trì và tái tạo phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ.” – bà Tâm khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Gian nan “cuộc chiến” bảo vệ môi trường sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO