Đề án này sẽ thực hiện từ năm 2021 đến 2030 với mục tiêu bảo vệ và phục hồi 60ha rừng đặc dụng tại Hòn Dồ, Dương Bông, Hòn Ông và Dương Bản Lầu, thuộc huyện Núi Thành, đảm bảo sinh cảnh sống cho 68 cá thể Voọc chà vá chân xám.
Đến năm 2030, nâng tổng diện tích môi trường sống Chà vá chân xám có thể sử dụng lên 150 ha nhằm đáp ứng sự tồn tại và phát triển của quần thể, cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và du lịch sinh thái bền vững, góp phần phát triển sinh kế địa phương.
Đàn Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. |
Việc bảo tồn chúng không những có giá trị về khoa học mà còn thành một điểm đến quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và phát triển du lịch sinh thái cho địa phương. Kinh phí thực hiện Đề án là trên 64 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau gồm vốn ngân sách Nhà nước, nguồn trợ của doanh nghiệp du lịch, tổ chức quốc tế và nguồn xã hội hóa khác.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Núi Thành và các ngành liên quan hoàn thiện lại nội dung Đề án và nghiên cứu cơ sở pháp lý để tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo khả thi, đúng thẩm quyền, làm căn cứ tổ chức thực hiện; trong đó cần chú ý thêm các nội dung về sự đồng quản lý của Nhà nước và cộng đồng phải xuyên suốt trong cả quá trình thực hiện đề án, đặc biệt, lưu ý mục tiêu đến năm 2050 việc bảo tồn loài Chà vá chân xám phải dựa vào cộng đồng và định hướng vùng sinh cảnh để cho loài Chà vá chân xám sinh sống, phát triển đảm bảo bền vững đến năm 2050 và thống nhất cơ cấu nguồn vốn (tỉnh, huyện) đảm bảo khả thi trước khi trình phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (áo xám) trong một lần thực tế môi trường sống của đàn Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành |
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bảng tuyên truyền, phát hành tờ rơi, pano, các buổi họp, sinh hoạt tại các cộng đồng thôn, các trường học,… để giáo dục và nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, cộng đồng và tính quý hiếm, tình trạng nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ của loài Chà vá chân xám và pháp luật bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; đồng thời, tuyên truyền về lợi ích mang lại từ việc bảo vệ đàn Chà vá chân xám có thể giúp cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống thông qua việc phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đề án, thông qua việc mô tả, thể hiện trên bản đồ, số hóa địa giới khu bảo tồn loài Chà vá chân xám, thể hiện bằng các màu sắc phân khu rõ ràng để du khách, người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư, khám phá du lịch nhằm công khai, minh bạch thông tin, sử dụng Apps Store ứng dụng công nghệ thông minh để quảng bá, lan tỏa tạo hiệu quả của đề án.