Quảng Nam: Dân khốn khổ sống trong vùng quy hoạch dự án

15/02/2019 12:42

(TN&MT) - Nhiều năm qua, gần 50 hộ dân ở Tổ 1, thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam phải sống trong cảnh mùa mưa ngập lụt, mùa nắng rác thải, ô nhiễm bủa vây và không có lối thoát do hệ thống đường đi đã bị bịt kín bới các kiot tại chợ An Lương. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền, các ban ngành nhiều lần, nhưng thực trạng vẫn không được giải quyết.

Một ngôi nhà của người dân tại khu chợ An Lương đành bỏ hoang, vì đã hư hỏng do bị ngập lụt trong mùa mưa bão năm 2018
Một ngôi nhà của người dân tại khu chợ An Lương đành bỏ hoang, vì đã hư hỏng do bị ngập lụt trong mùa mưa bão năm 2018

Chúng tôi có mặt tại khu chợ An Lương, nghe tin có phóng viên tới, bà con khu vực kéo tới rất đông, các ông Trần Cảnh Vũ, Lê Văn Định, Trần Văn Tư… thay mặt người dân trình bày: Chợ An Lương hình thành cách đây hơn 6 năm, do UBND xã Duy Hải xây dựng, là nơi tập trung hàng trăm hộ tiểu thương buôn bán các mặt hàng nông sản và hải sản do ngư dân ở Duy Hải đánh bắt từ biển đưa về.

Chợ nằm giữa khu dân cư tổ 1, thôn An Lương, nơi có gần 50 hộ dân sinh sống, theo quy hoạch chợ có hệ thống cống thoát nước vệ sinh và hệ thống đường giao thông bao quanh chợ dọc các gia đình người dân. Tuy nhiên, chợ lại được xây dựng cao hơn khu dân cư gần 70cm, và được thiết kế đường cống thoát nước vệ sinh bao quanh chợ, cao hơn khu dân cư cũng 70cm.

Vậy là mỗi khi nguồn nước vệ sinh quá tải, đều chảy tràn thẳng vào khu dân cư xung quanh, mùa mưa lũ, cống thoát nước vệ sinh cao hơn khu dân cư nên nước không thể thoát ra ngoài, biến khu dân cư thành một vùng ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường và đời sống người dân nơi đây.

Mùa mưa đến toàn bộ khu dân cư chợ An Lương không có đường thoát nước, sống trong cảnh ngập lụt
Mùa mưa đến toàn bộ khu dân cư chợ An Lương không có đường thoát nước, sống trong cảnh ngập lụt

Cùng với nước vệ sinh, rác thải cũng trôi lọt vào các miệng cống, ứ đọng khắp nơi trong chợ, biến khu vực cổng chợ thành một bãi rác hôi thối… Chưa hết, hệ thống đường giao thông quanh chợ theo quy hoạch được xây dựng cùng thời điểm xây chợ, nhưng qua 6 năm vẫn không thấy tiến hành, nhiều hộ dân từ nơi khác đến đã lấn chiếm xây dựng thành các kiot buôn bán, bịt chặt hẳn lối vào khu dân cư tổ 1.

Người dân cho biết, đến bây giờ việc đi lại trong khu dân cư vô cùng khó khăn, mùa mưa đến trẻ em phải lội nước bì bõm tới trường, xe máy là phương tiện duy nhất có thể đi lại trong khu dân cư cũng không thể đi lại vì không còn đường. Thậm chí nhiều gia đình trong khu dân cư có người chết, cũng không thể khiêng áo quan một cách bình thường khi đưa đám, phải luồn lách rất vất vả qua khu vực chợ.

Hiện tại chỉ có một con đường đất thô sơ ra vào khu dân cư, người dân muốn chuyển vật liệu xây dựng hay bất kỳ hàng hóa gì cũng không thể, vì các loại xe tải đều không thể ra vào. Người dân nơi đây đa phần đều làm nghề đi biển, mỗi khi đến mùa mưa bão, muốn sơ tán tài sản, di dời tàu thuyền tránh bão cũng không thể, vì không có đường vào khu dân cư…

Thực trạng đời sống người dân tại khu chợ An Lương đã được người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và các ban ngành, nhưng vẫn không được xem xét giải quyết.

Đường cống thoát nước vệ sinh xây dựng quanh chợ An Lương cao hơn khu dân cư 70cm, tràn thẳng vào nhà người dân mỗi khi có mưa
Đường cống thoát nước vệ sinh xây dựng quanh chợ An Lương cao hơn khu dân cư 70cm, tràn thẳng vào nhà người dân mỗi khi có mưa

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Chín - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: Thực trạng đời sống người dân phản ánh là chính xác. Tuy nhiên, vào thời điểm chợ An Lương mới được xây dựng, xã đã được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng một bờ kè ngay đầu chợ An Lương để vừa chống sạt lở, vừa làm đường đi lại cho người dân. Còn con đường bao quanh chợ, tiếp giáp với khu dân cư xung quanh, xã cũng đã đề nghị lên huyện, có chủ trương kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nhưng ngay sau đó, toàn bộ khu vực thôn An Lương, trong đó có khu chợ được quy hoạch vào dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985 ha. Và khi đã nằm trong quy hoạch, toàn bộ hoạt động xây dựng, chỉnh trang… không tiến hành nữa. Chúng tôi hỏi ông Chín: “Vậy tại sao người dân không biết chủ trương này ?”. Ông Chín cho rằng, không biết chính quyền cấp trên, hay đơn vị làm dự án có phổ biến cho người dân hay không, chứ UBND xã cũng không nắm rõ cụ thể dự án này ra sao, nên cũng không thể phổ biến cho người dân.

Như vậy có thể thấy rõ, khu dân cư chợ An Lương đã nằm trong diện quy hoạch của một dự án, còn dự án này bao giờ tiến hành, có phải là một dự án “treo” hay không cần phải được chính quyền địa phương tìm hiểu và có biện pháp giải quyết những thực trạng ảnh hưởng đến đời sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Dân khốn khổ sống trong vùng quy hoạch dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO