Quảng Nam: Dân bức xúc vì cây rừng phòng hộ di sản Mỹ Sơn bị chặt “nhầm” đem bán

Lan Anh| 20/03/2021 20:18

(TN&MT) - Khi thu gom cây ngã đổ do bão tàn phá, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn "chặt nhầm" cây lâu năm trong rừng phòng hộ đem bán.

Thời gian gần đây, người dân xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bức xúc phản ánh với báo chí sự việc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chặt hạ nhiều cây lâu năm trong rừng phòng hộ đem bán.

Theo phản ánh của các hộ dân thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên cách đây 20 năm, người dân trong thôn trồng số lượng lớn xà cừ và keo ở khu vực gần đường dẫn vào khu di tích thánh địa Mỹ Sơn. Sau này, toàn bộ diện tích trồng cây này của bà con được quy hoạch trở thành rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý. Từ đó, người dân không được phép khai thác đối với cây do mình vun trồng.

BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tự ý đốn hạ cây ngã đổ khi chưa được cho phép

Năm 2006, nhiều cây cối bị gãy sau bão nên Ban Quản lý chỉ cho phép các hộ dân vào trong chặt những cành, nhánh đã gãy, đồng thời yêu cầu giữ nguyên hiện trạng cây không bị gãy, hoặc gốc còn khả năng phát triển.

“Phần rừng của gia đình tôi tuy bị quy hoạch vào khu cảnh quan lịch sử tôi tuyệt đối tuân thủ dù đến nay, đất và cây trồng vẫn chưa được đền bù, hỗ trợ thoả đáng. Vậy mà đợt bão số 9 năm ngoái, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn lại tự ý đốn hạ cây ở rừng phòng hộ và đem bán. Điều này khiến chúng tôi rất đỗi khó hiểu", một người dân thôn Mỹ Sơn bức xúc giãi bày.

Ghi nhận thực tế, bên trong cổng vào di tích văn hoá Mỹ Sơn, hàng chục cây keo có tuổi đời hàng chục năm đã bị cưa hạ. Vị trí những cây bị cưa nằm sát và cách bên đường vào di tích khoảng vài chục mét. Phần gốc lộ trên mặt đất thể hiện những cây có đường kính từ 0,4-0,8 m.

Hàng chục cây keo có tuổi đời hàng chục năm đã bị cựa hạ.

Theo tìm hiểu của PV, đầu tháng 11/2020, Ban Chấp hành Công đoàn Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn có kế hoạch dọn dẹp cây ngã đổ, thanh lý cây có nguy cơ ngã đổ do bão số 9 (Molave) và cắt tỉa, trồng cây thay thế dần cây bản địa dọc 2 bên đường vào khu di tích Mỹ Sơn. Ban Chấp hành Công đoàn Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn khẳng định việc cắt tỉa không làm ảnh hưởng, hư hại đến các công trình cơ sở hạ tầng và cây trồng tại rừng.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn thừa nhận, đơn vị đã để xảy ra sai sót trong lúc xử lý cây ngã đổ sau bão số 9. Theo lãnh đạo này, bão số 9 khiến khoảng 130 cây lớn nhỏ ở hai bên đường dẫn vào khu di tích Mỹ Sơn bị ngã đổ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên tới 20 năm.

"Trong quá trình dọn dẹp cây ngã đổ, nhóm công nhân đã chặt nhầm một số cây thuộc rừng phòng hộ. Toàn bộ số tiền bán cây, chúng tôi dùng để chi trả thù lao cho công nhân thu gom và phục vụ cho việc trồng cây bản địa. Sau khi vấp phải sự phản ứng của người dân, chúng tôi đã làm báo cáo gửi UBND huyện.”- Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho biết.

Một cây gỗ bị ngã đổ được thu gọn, cưa đem bán, chỉ còn trơ lại gốc

Ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, việc chặt hạ, thu dọn cây ngã đổ trong rừng phòng hộ cảnh quan khu di tích, dù với mục đích nào thì Ba quản lý phải làm phương án và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thu dọn cây khi chưa được phép là trái quy định pháp luật. Đơn vị đã nắm vụ việc và sẽ tiến hành mời các cơ quan liên quan đến làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Dân bức xúc vì cây rừng phòng hộ di sản Mỹ Sơn bị chặt “nhầm” đem bán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO