Tháng 10/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động khai thác tận thu của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 (gọi tắt là Công ty 6666) để khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường tại xã Tam Lãnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp này bất chấp, vẫn tiếp tục khai thác. Đến tháng 1/2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ra văn bản buộc Công ty 6666 phải ngừng hoạt động bởi những biểu hiện sai phạm và gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, từ tháng 11/2018 đến nay, vào ban đêm, Công ty 6666 thường xuyên lén lút hoạt động. Chị Nguyễn Thị T (thôn Trà Sung) cho biết, công ty này lợi dụng thời điểm ban đêm để hoạt động. Người dân xã Tam Lãnh cũng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền huyện Phú Ninh về tình trạng Công ty 6666 lén lút hoạt động nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
“Cứ vào thời điểm 18h -19h, nhà máy của Công ty 6666 hoạt động liên tục phát ra tiếng động đến tận sáng hôm sau và nhiều buổi tối ra sông phát hiện nước đục ngầu” - chị T bức xúc.
Ông Ung Văn Long - Trưởng thôn Trà Sung cho biết, thời gian qua, người dân địa phương liên tục kiến nghị Công ty 6666 vẫn còn hoạt động lén lút, xúc xái ở bãi xái về làm và có làm ban đêm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Mỗi lần đi ngang qua các khu nghĩa địa người dân đều nhìn thấy công ty này hoạt động. Đợt tiếp xúc cử tri HĐND huyện mới đây, người dân phản ánh việc Công ty 6666 đã bị đình chỉ hoạt động rồi tại sao vẫn làm nhưng đến nay, việc này vẫn tái diễn” - ông Long cho hay.
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực Suối Trang (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh) vẫn còn dấu hiệu của việc vận chuyển và tập kết, ngâm ủ xái quặng. Khu vực bãi Kà Thai vẫn còn lán trại của công nhân đang ở, thực hiện ngâm ủ xái. Kết quả ghi nhận vào ngày 25/2, tại khu vực của công ty này vẫn có xe múc và 1 xe tải nhỏ đang hoạt động vận chuyển, tập kết xái quặng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thừa nhận, thời gian qua công ty này vẫn có hoạt động lén lút. Ông Vinh cho biết, trước đó, ngày 25/10/2018, UBND xã Tam Lãnh phối hợp với Đồn công an Tam Lãnh lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của Công ty 6666. Tại hiện trường có 2 công nhân đang ở tại nhà máy, 8 hồ xái quặng (trong đó 4 hồ xái quặng đã xử lý, 4 hồ xái quặng đang xử lý), có 4 hồ con mới xây bên cạnh và một lượng lớn xái quặng bên ngoài hồ.
“Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của công ty và làm báo cáo gửi UBND huyện, tuy nhiên cho đến nay tình hình hoạt động của công ty vẫn tái diễn” - ông Vinh nói.
Không chỉ ngày 25/10/2018, trong đợt kiểm tra ngày 1/3 do Phòng TN&MT huyện Phú Ninh chủ trì cũng phát hiện Công ty 6666 đang có các hoạt động tập kết xái quặng và thực hiện việc ngâm ủ xái quặng, tận thu vàng tại nhà máy chế biến kim loại vàng tại khu vực Suối Trang. Cụ thể, trong phân xưởng sản xuất tại nhà máy chế biến, tận thu kim lại tại khu vực Suối Trang có 2 vị trí công ty đang tổ chức hoạt động ngâm ủ xái quặng; 1 điểm tại khu vực dây chuyền chế biến tận thu chì tại thời điểm kiểm tra có 2 xe múc và 1 xe tải nhỏ đang hoạt động vận chuyển và tập kết xái quặng; 1 điểm ngâm ủ tại khu vực bãi Kà Thai có lán trại của công nhân ở, đang tổ chức 5 ô ngâm ủ (3 ô lót bạc thường, 2 ô chuẩn bị lót bạt, kích thước mỗi ô 10x15), có khoảng 10 vị trí tập kết xái quặng (chiều cao 3-7m).
“Khu vực bãi Kà Thai nằm sát với bờ Suối Trang, việc ngâm ủ tại khu vực này không đúng theo nội dung hồ sơ môi trường đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Như vậy, Công ty 6666 đã không thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, vẫn lén lút hoạt động khi chưa có sự cho phép của UBND tỉnh” - ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nói.
Ông Đạo cho biết thêm, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường tại địa phương, UBND huyện Phú Ninh yêu cầu Công ty 6666 nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của UBND tỉnh dừng ngay mọi hoạt động chế biến, ngâm ủ xái quặng tận thu vàng tại các nhà máy trên địa bàn xã Tam Lãnh. Đối với xái quặng đã được tập kết cần có các biện pháp che chắn không để xái quặng tràn ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy, báo cáo UBND tỉnh, Sở TN&MT kiểm tra, thống nhất mới được cho phép hoạt động trở lại.