Quảng Nam: 1000 người dân “mắc kẹt” trong vùng chồng lấn địa giới

Lan Anh| 05/10/2022 14:02

(TN&MT) - Hơn 30 năm qua, hơn 1000 người dân thuộc 238 hộ dân tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chịu cảnh thiếu thốn trăm bề, không được đầu tư cơ sở hạ tầng, dân sinh do chồng lấn địa giới hành chính với tỉnh Kom Tum.

Ngôi làng Quảng Nam trên đất Kom Tum

Từ trung tâm xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, phải di chuyển theo con đường đất dài 10 km bị sình lầy, sạt lở với nhiều hiểm nguy mới vào đến được nơi sinh sống của các hộ dân thôn 3, xã Trà Vinh là nơi chồng lấn địa giới hành chính với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Gặp chúng tôi, già làng Nguyễn Xuân Bốn (64 tuổi) kể về khó khăn khi sống ở vùng chồng lấn địa giới như không có điện, đường, trường, trạm, chợ và chưa được phủ sóng điện thoại. Vào ban đêm, người dân ở đây sử dụng đèn dầu và củi để thắp sáng. Chỉ có một số hộ dân có điều kiện sử dụng tuabin dùng sức nước phát điện.

chonglan1.jpg
Một góc khu dân cư thôn 3 xã Trà Vinh

Do đường do đường sá đi lại quá vất vả, có nhiều trường hợp người dân bị đau, tai nạn đưa xuống trạm y tế xã không kịp nên tử vong. Đa phần thức ăn hàng ngày người dân tự cung tự cấp. Gạo được sản xuất từ lúa rẫy cộng với khoai sắn và bắp. Hàng ngày bà con đi bắt ốc, cá... dưới khe, suối và rau rừng trên núi để làm nguồn thức ăn cho cả gia đình, lâu lâu mới ra trung tâm xã hay xuống chợ ở Trà Mai cách hàng chục ki lô mét mới mua được lương thực, mắm muối về dự trữ.

“Muốn bán con gà hoặc khoai sắn phải cõng vượt đường rừng gần 8 km xuống trung tâm xã Trà Vinh, từ trung tâm xã đi hơn 30 km xuống xã Trà Mai, huyện Nam Trà My mới có được hàng hóa để mua sắm, vì khoảng cách đi lại quá xa nên nhiều người không muốn đi”- ông Bốn cho biết.

chonglan4.jpg
Không được đầu tư hạ tầng nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch xã Trà Vinh cho hay, tính cả thôn 3 đang nằm trong vùng chồng lấn địa giới hành chính với thì toàn xã Trà Vinh hiện nay có 472 hộ, với 1.998 nhân khẩu sinh sống ổn định. Riêng thôn 3 đã chiếm 238 hộ với 1.034 nhân khẩu. Do đất thuộc quản lý của xã Đắk Nên nên địa phương không thể thực hiện việc thu hồi đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hơn 30 năm qua cuộc sống các hộ dân ở thôn 3 không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không điện, không có nguồn nước hợp vệ sinh, không có thủy lợi sản xuất… Mặc dù đang chồng lấn địa giới, nhưng địa phương luôn cố gắng chăm lo cho người dân ở thôn 3.

Chưa thống nhất giải quyết

Chính quyền huyện Nam Trà My cho biết, nguồn cơn câu chuyện xuất phát từ bản đồ địa giới hành chính 364 (theo Chỉ thị 364, ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) được vẽ không trùng khớp với đường địa giới truyền thống mà người dân 2 xã Trà Vinh và Đắk Nên (Kon Plông, Kon Tum) đã sinh sống, quản lý và canh tác sản xuất từ lâu đời.

Vì thế, sau khi bản đồ xác lập đã vô tình “đẩy” hơn 6.500 ha đất, cùng hàng nghìn người dân thôn 3 sang đất Kon Tum. Trong khi đó, người dân gốc gác xa xưa của họ thuộc về Quảng Nam, như bây giờ.

Để giải quyết những vướng mắc trên, Bộ Nội vụ đã có Văn bản hướng UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum phối hợp giải quyết về địa giới hành chính giữa khu vực giáp ranh giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên. Từ năm 2008 đến năm 2021, hai tỉnh đã nhiều lần tổ chức làm việc nhưng chưa thống nhất các phương án giải quyết.

chonglan3.jpg
Không được đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân thôn 3 phải sống trong cảnh không điện, không có nguồn nước hợp vệ sinh, không có thủy lợi sản xuất

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong hơn 6.000 ha đất đang bị chồng lấn, kiến nghị tỉnh Kon Tum thống nhất điều chỉnh hơn 3.000 ha phần diện tích đất nhân dân xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác thuộc địa phận quản lý của xã Đắk Nên đưa về xã Trà Vinh để quản lý và cải thiện đời sống người dân. Theo ông Lê Trí Thanh đây là phương án hợp lý nhất, mong muốn hai địa phương sớm thống nhất phương án.

chonglan2.jpg
Đường sá không được đầu tư nên việc đi học của  trẻ em ở thôn 3 xã Trà Vinh cũng gặp nhiều khó khăn

Trong khi đó, tỉnh Kon Tum lại đưa ra phương án giải quyết các hộ dân tại thôn 3 đang sinh sống trên địa phận xã Đắk Nên chuyển giao cho xã Đắk Nên tiếp nhận, quản lý, sắp xếp, tạo điều kiện nhằm sớm cho người dân ổn định cuộc sống; hoặc tỉnh Quảng Nam xây dựng khu tái định cư để vận động đưa các hộ dân đang sinh sống trên địa phận xã Đắk Nên về sinh sống, sản xuất trên đất của xã Trà Vinh.

Ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho rằng, thời gian qua, UBND xã Trà Vinh đã tổ chức 5 cuộc họp khảo sát ý kiến của người dân thôn 3. Kết quả, tất cả người dân đều không muốn chuyển hộ khẩu về xã Đắk Nên, bởi từ thôn 3 về trung tâm xã Trà Vinh chỉ mất gần 8 km, trong khi đó về xã Đắk Nên phải mất hơn 20 km. Đất đai canh tác, mồ mà ông bà đang chôn cất tại đây nên không thống nhất việc bỏ về tái định cư trên đất xã Trà Vinh. Nhân dân thống nhất với phương án điều chỉnh đường địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên theo lịch sử truyền thống, hiện trạng sinh sống lâu nay của người dân.

“Làm gì cũng phải tôn trọng ý kiến người dân. Mong rằng lãnh đạo hai tỉnh có phương án đề xuất với trung ương sớm giải quyết để người dân không bị thiệt thòi", ông Tạ nói.

Thiết nghĩ, 238 hộ dân thôn 3 sống trên đất Quảng Nam hay Kon Tum cũng là công dân của đất nước Việt Nam. Điều quan trọng lúc này là hai địa phương cần sớm đồng nhất phương án, giúp người dân nơi đây có điều kiện sống tốt hơn. Và trên hết phải lắng nghe, tôn trọng ý nguyện của bà con nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: 1000 người dân “mắc kẹt” trong vùng chồng lấn địa giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO