Thâm nhập hiện trường rừng phòng hộ bị chặt phá
Để tiếp cận được khu vực rừng bị chặt phá chúng tôi được anh T một người dân địa phương dẫn đường. Theo anh T cách tiếp cận gần nhất khu vực rừng bị phá là đi đò qua lồng hồ Rào Đá. Đi đò khoảng 20 phút chúng tôi đã tiếp cận được khu vực rừng phòng hộ bị chặt hạ. Tại đây, khá bất ngờ khi có khoảng 5h rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị "cạo trắng". Nhiều cây gỗ quý như Lim, Gõ, Trường, Ươi…có đường kính từ 10-40cm đều bị chặt hạ, các thân cây đã được vận chuyển ra khỏi khu vực này.
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Rào Đá bị chặt phá. |
Ngoài ra, khi đi sâu vào khu vực rừng phòng hộ gần điểm chưa bị chặt trắng chúng tôi còn chứng kiến hàng loạt cây gỗ quý khác cũng đã bị cắt xẻ.
Theo anh T cho biết: “Khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Vinh Cơn Dầu đã bị tàn phá vào khoảng tháng 3, diện tích bị phá khoảng 4-5 ha, sau đó chính quyền địa phương có vào kiểm tra nhưng không biết khai báo số liệu như thế nào. Những năm trước khu vực rừng quanh hồ Rào Đá cũng đã bị chặt phá rồi, họ cứ phát dần nhưng không thấy cơ quan bảo vệ rừng và chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý”.
Nhiều cây gỗ quý có đường kính lớn đã bị chặt hạ. |
Theo Biên bản kiểm tra hiện trường của UBND xã Trường Xuân vào ngày 17/3/2021, khu vực thứ nhất bị chặt phá thuộc khoảnh 2, tiểu khu 384, có diện tích là 0,559 ha được quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã quản lý.
Khu vực thứ hai bị chặt phá có diện tích 0,954 ha, trong đó 0,503 ha nằm trong quy hoạch 3 loại rừng được quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc khoảnh 2, tiểu khu 384 do UBND xã quản lý. Còn diện tích 0,451 ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Biên bản thể diện tích chặt phá chủ yếu là dây leo, bụi rậm, cây tái sinh phi mục đích và rải rác có một số cây gỗ tái sinh phi mục đích có đường kính từ 10-20cm bị chặt hạ để lại hiện trường.
Tuy nhiên, tại kết luận của biên bản này tổng diện tích bị chặt phá trái phép 1,062 ha nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc khoảnh 2, tiểu khu 384 lại cho thấy không nằm trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý.
Khu vực rừng bị chặt phá nằm tại khoảnh 1,2 tiểu khu 384. |
Còn tại Biên bản kiểm tra hiện trường về việc chặt, phá cây rừng trái phép tại khu vực hồ Rào Đá của Hạt kiểm lâm huyện Quảng Ninh, ngày vào 13/4/2021, khu vực thứ nhất: Diện tích cây rừng bị chặt, phá và cắt khúc trái phép là 0,954 ha, mật độ bình quân cây rừng 680 cây/ha, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 384 là rừng tự nhiên(thửa đất 408 tờ bản đồ 39) khu vực hồ Rào Đá. Theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2018, phạm vi chặt, phá cây rừng trái phép thuộc quy hoạch rừng phòng hộ diện tích 0,503 ha và 0,451 ha diện tích nằm ngoài quy hoặc 3 loại rừng.
Khu vực này đo đếm được 34 gốc cây có đường kính từ 8-30cm bị chặt, phá gồm Trường, Lim, Gõ, SP… là cây rừng tự nhiên. Tại đây phát hiện cây gỗ Lim, Gõ, Trường, Ươi,…bị chặt, phá cắt thành khúc, mỗi khúc có chiều dài từ 1-2m được tập kết tại mép hồ Rào Đá với khối lượng 0,916m3.
Sự việc này diễn ra vào giữa tháng 3/2021. |
Khu vực thứ 2, diện tích bị chặt phá trái phép là 0,559 ha thuộc khoảnh 1,2, tiểu khu 384 cũng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, rừng phòng hộ. Đo điếm tại đây có 52 gốc cây gỗ Lim, Gõ, Trường, Ươi…có đường kính từ 8-20cm bị chặt, phá trái phép. Đo điếm bãi tập kết gỗ với khối lượng 2,205m3.
Chưa xác định được đơn vị quản lý rừng
Để một diện tích lớn rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng là trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý rừng. Thế nhưng, chính quyền UBND xã Trường Xuân và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh không thừa nhận mình là đơn vị quản lý khu vực rừng bị chặt phá này.
Diện tích lớn rừng phòng hộ bị chặt phá nhưng biên bản kiểm tra hiện trường chỉ thể hơn 1ha? |
Cũng tại Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 13/4/2021 của Hạt kiểm lâm huyện Quảng Ninh chủ rừng và người quản lý sử dụng đất tại vị trí chặt, phá cây rừng không thống nhất về chủ quản lý. Biên bản này nêu rõ, theo hồ sơ địa chính được UBND xã Trường Xuân xác nhận ngày 5/5/2016 Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 24/8/2016 vị trí thuộc thửa đất số 408, tờ bản đồ 39, do Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại quản lý (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý), loại đất là đất rừng phòng hộ.
Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng và hồ sơ kiểm kê rừng năm 2016, xác định diện tích rừng bị chặt, phá trái phép do UBND xã Trường Xuân quản lý.
Còn tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BB 058317 được UBND tỉnh cấp ngày 25/10/2016 thì tiểu khu 384 không thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh.
Nhiều cây gỗ quý như: Lim, Gõ, Trường...cũng bị cắt xẻ. |
Ông Phạm Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết diện tích rừng do xã quản lý chỉ bị chặt phá chỉ có mấy sào, diện tích còn lại do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý. “Vừa rồi đoàn có lên làm việc đó rồi, có biên bản cụ thể. Khu vực bị chặt, phá do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, sau khi phát hiện mình đã có công văn gửi UBND huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ. Đất của Ban quản lý rưng phòng hộ nhưng nằm trên địa giới hành chính của xã nên họ nói là xã quản lý”.
Khi nói về diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá lớn hơn nhiều so với biên bản kiểm tra hiện trường ông Phạm Văn Quang cho rằng việc quản lý rừng xã có thành lập ban do đồng chí phó chủ tịch làm trưởng ban nên bản thân mình không nắm rõ.
Hiện vẫn chưa xác định được đơn vị quản lý diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá này. |
Trao đổi với PV về vấn này, ông Cao Văn Cường – Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, cho biết: “Diện tích vừa rồi bị chặt phá Kiểm lâm họ kiểm tra thu giữ lâm sản, còn lâm phần trước đây trực thuộc của Lâm trường Long Đại nhưng sau khi chuyển về ban rồi thì tiểu khu 384 không còn quản lý của đơn vị nữa. Vừa rồi có đi xác minh, có cả Kiểm lâm, công an về tra lại theo quy hoạch 3 loại rừng thẻ đỏ của đơn vị thì nó không nằm trong diện tích mình quản lý. Giờ nhùng nhằng không biết xã quản lý hay là thủy nông quản lý, cái này cũng không rõ, để kiểm tra lại bản đồ như thế nào đã?”.
Nhiều ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Rào Đá bị chặt phá từ tháng 3, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đơn vị quản lý diện tích rừng trên. Trong khi đó, cả chính quyền địa phương lẫn Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh lại “đá bóng” trách nhiệm cho nhau.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!