Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được coi là một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng xóa “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) cho mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung và góp phần phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Tính đến nay tỉnh Quảng Bình có 1.074/1.207 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt gần 90%. Tất cả tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT (thiết bị sau khi lắp đặt được nghiệm thu, niêm phong theo quy định) đều được cấp Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.
Nhiều tàu cá ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT bị sự cố khi ra khơi. |
Lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá ra khơi sẽ xác định được vị trí tàu qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet; đồng thời kiểm soát được vận tốc của tàu theo từng thời điểm; hoạt động đóng, mở cửa tàu; tắt, mở động cơ; cảnh báo SOS khi tàu gặp sự cố; có báo cáo chi tiết theo địa giới tùy chỉnh, đoạn đường cần giám sát, tọa độ điểm cần lưu lại lộ trình di chuyển của tàu...
Ngoài ra, việc lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá không chỉ giúp công tác quản lý nghề cá được thuận lợi, tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản do ngư dân khai thác trên biển mà còn góp phần quan trọng ngăn chặn nạn khai thác hải sản bất hợp pháp.
Thiết bị hành trình vừa lắp đặt chưa được nhưng nay nhiều tàu cá ngư dân ra khơi bị mất tín hiệu. |
Mỗi thiết bị giám sát hành trình có trị giá khoảng 25 triệu đồng và cước phí thuê bao khoảng 2 triệu đồng/năm, chưa kể thời gian liên lạc cho mỗi cuộc gọi. Tuy nhiên, quá trình tàu cá ra khơi, nhiều ngư dân phản ánh việc thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu.
Anh Võ Đức Anh (SN 1987, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng), cho biết: “Tôi lắp giám sát hành trình trên tàu cá được hơn 3 năm rồi. Thời gian đầu, thiết bị giám sát hành trình vận hành tốt, chuyển tải thông tin liên lạc hữu hiệu giúp phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới. Nhưng sau một thời gian, thiết bị thường xuyên lỗi mạng, đôi khi mất tín hiệu từ 3 - 6 tiếng, gây nhiều khó khăn cho ngư dân”.
Theo ông Hồ Quang Hường – Phó Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh, cho biết toàn xã hiện có 170 tàu cá lắp đặt giám sát hành trình. Từ khi triển khai lắp giám sát hành trình, tình trạng ngư dân địa phương vi phạm pháp luật giảm xuống. Không chỉ vậy, còn giúp cho ngư dân và phương tiện có kênh thông tin, tránh được những rủi ro trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân đều phản ánh tình trạng mất tín hiệu giám sát, cùng với đó, giá cước giám sát hành trình tàu cá cũng rất cao. Mong các cấp quan tâm, xem xét.
Việc thiết bị giám sát hành trình mất tin hiệu khi ra khơi khiến nhiều ngư dân lo lắng. |
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, cho biết chưa nhận được thông tin phản ánh về việc thiết bị giám sát lắp trên tàu ngư dân bị mất tín hiệu.
“Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá giúp chúng tôi kiểm soát tốt hơn tàu cá hoạt động từ vùng bờ ra tới vùng khơi, như: hành trình của tàu, nhật ký khai thác, vị trí của tàu, sản lượng khai thác. Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền, nhắc nhở một số hoạt động khai thác trên biển của ngư dân vào lúc 9 giờ sáng và 15 giờ chiều hàng ngày. Việc thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu tôi chưa nhận được phản ánh từ ngư dân, chắc họ phản ánh bên nhà cung cấp thiết bị. Theo tôi cũng có trường hợp mất tín hiệu đó, lỗi do phương tiện tự động mất kết nối hoặc do nguồn điện tàu. Về giá cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá cao, tôi đang đề xuất với tỉnh giảm giá cước cho bà con ngư dân”, ông Lê Ngọc Linh, cho hay.
Chi phí lắp đặt thiết bị giám sát có giá tương đối cao nhưng khi chưa hoạt động được bao lâu thì xảy ra sự cố mất tín hiệu khiến nhiều ngư dân lo lắng.