Quảng Bình: Nhà máy gỗ dăm không phép hoạt động hơn 6 năm

Hồng Thiệu-Nguyễn Giang| 12/05/2020 18:05

(TN&MT) - Một nhà máy gỗ dăm chưa được cấp phép vẫn mặc nhiên hoạt động nằm sát đường mòn Hồ Chí Minh, tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy hơn 6 năm qua nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Thời gian qua, dư luận địa phương khá bất ngờ và bức xúc trước việc nhà máy gỗ dăm chưa có đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, đất chưa chuyển mục đích sử dụng,… cũng như nhiều hồ sơ, thủ tục liên quan khác chưa được hoàn thành nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Nhà máy gỗ dăm xây dựng trái phép sát đường mòn Hồ Chí Minh. 

Nhà máy gỗ dăm không phép này nằm tại thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, trên thửa đất mang tên hộ ông Dương Anh Tính với tổng diện tích 11.836m2, trong đó có 415m2 xây dựng cơ sở hạ tầng, hơn 2.000m2 được xây dựng làm sân chứa.

Được biết, đơn vị xây dựng nhà máy gỗ dăm, hoạt động trái phép là Công ty TNHH Thanh Thanh Đạt (có địa chỉ tại TP. Vinh, Nghệ An). Theo ghi nhận của PV, thời gian qua đơn vị này vẫn ngang nhiên thu mua gỗ về tập kết, sản xuất gỗ dăm rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Các máy tời vẫn vô tư hoạt động, xe tải vào ra vận chuyển gỗ dăm hàng ngày nhưng không gặp phải bất cứ sự ngăn chặn nào từ chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng.

Vi phạm này diễn ra hơn 6 năm qua nhưng không bị xử lý.

Ông Lê Thuận Văn – Chủ tịch UBND xã Thái Thủy, cho biết đến nay Nhà máy gỗ dăm này vẫn chưa có giấy phép, chưa chuyển mục đích sử dụng đất. “Nhà máy này hoạt động từ năm 2014 đến nay. Tôi mới nhận công tác từ 2019, tuy nhiên theo hồ sơ để lại thì giấy phép chưa có, còn giấy phép kinh doanh thì có, chưa chuyển đổi qua đất phi nông nghiệp. Đất này được cấp đang thuộc đất nhà ở và đất trồng cây lâu năm, thửa đất này không nằm trong kế hoạch sử dụng đất của xã, địa phương cũng không có quy hoạch cho việc xây dựng nhà máy gỗ dăm tại đây. Họ thuê đất của hộ ông Dương Anh Tính rồi xây dựng hoạt động, UBND xã có đề nghị họ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng mãi đến nay họ vẫn không chuyển đổi. Khi phát hiện sai phạm thì làm văn bản yêu cầu hộ dân phải thực hiện theo đúng mục đích sử dụng đất, từ năm 2017 đến nay hàng năm vẫn yêu cầu phía bên công ty hoàn thành thủ tục, giấy tờ. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 không nằm trong quy hoạch nên giai đoạn 2020-2025 xã làm đề nghị đưa vào quy hoạch, xã chỉ mới đề nghị còn huyện với tỉnh đang xem xét”.

Đường bê tông rộng lớn đi vào nhà máy gỗ dăm.

Nói về trách nhiệm quản lý trên địa bàn, ông Lê Thuận Văn chỉ vòng vo, cho rằng việc đăng ký kinh doanh cũng như giấy phép không rõ là huyện cấp hay đơn vị nào cấp.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Ngọc Trâm – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lê Thủy, khẳng định đến nay Nhà máy gỗ dăm này vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường, các thủ tục về đất đai chưa hoàn thiện.

“Đất tại nhà máy gỗ dăm mang tên hộ Dương Anh Tính, đất sử dụng sai mục đích, năm 2014 Phòng TN&MT có lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt và yêu cầu họ dừng. Cái này chưa có quy hoạch, trong kế hoạch sử dụng đất của xã và huyện đều không có. Nhiều lần tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, xử lý thì thấy Công ty TNHH Thanh Thanh Đạt đang hoạt động nhưng mình chỉ xử lý được chủ sở hữu đất, yêu cầy họ tạm dừng hoạt động nhưng sau đó họ lại tiếp tục. Phòng TN&MT sẽ tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, xử lý khi nào có kết quả sẽ thông tin đến báo”.

Liệu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý hay đang bao che cho sai phạm.

Nhà máy gỗ dăm xây dựng trên diện tích hàng nghìn mét vuông, hoạt động hơn 6 năm qua khi chưa hoàn thành các hồ sơ thủ tục nhưng không bị xử lý. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu chính quyền địa phương và cơ chức năng tỉnh Quảng Bình không có biện pháp xử lý hay đang có sự bao che cho sai phạm này?.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Nhà máy gỗ dăm không phép hoạt động hơn 6 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO