Từ truyền thuyết xưa đến lễ hội đập trống
Theo đường 20 Quyết Thắng đến với bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, vào tối ngày 16 tháng Giêng Âm lịch nơi người dân tổ chức lễ hội đập trống. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao vị già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân chúng được ấm no, khỏe mạnh. Khi chiếc trống vỡ cũng là lúc các đôi trai gái người dân tộc Ma Coong dắt nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Có những người đã nên duyên đôi lứa nhờ lễ hội đập trống này.
Theo truyền thuyền của người Ma Coong thì lễ hội đập trống đã có từ thời xa xưa. Thời đó, người Ma Coong đến đây để sinh sống và canh tác nông nghiệp, nhưng công việc của họ lại bị một con khỉ ác mùa vàng xuất hiện phá hoại mùa màng.
Vào ban đêm con khỉ này thường vào rẫy của bà con dân bản ăn sắn, ngô, lúa... Từ lúc khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục ốm đau, mùa màng đói kém. Đời sống người Ma Coong vì thế luôn gặp đói khổ.
Không thể để tình trạng đó kéo dài, sau nhiều ngày trăn trở tìm cách đối phó cùng với sự giúp đỡ của Giàng. Một hôm, khi con khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống, đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống, tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong đã làm cho con khỉ ác rời xa vùng đất này và không còn tác oai, tác quái nữa. Từ đó, lễ hội đập trống của người Ma Coong được hình thành nhằm để tưởng nhớ về chiến tích đuổi con khỉ ác.
Chiếc trống để phục vụ lễ hội đập trống được người dân Ma Coong chế tác một cách khá công phu. Tang trống được giữ từ năm này đến năm khác và chỉ thay thế khi bị hỏng, nó được làm từ chi cúp(một loại cây thuốc rỗng ruột sống hàng chục năm giữa đại ngàn - PV). Mặt trống được già làng chọn từ tấm da trâu bị thịt và đã đem lên gác bếp.
Nói về cách bịt trống thì nó khá đặc biệt, nguời Ma Coong dùng những sợi mây rừng chuốt kỹ, đem luộc trong nồi đồng. Những bàn tay chắc khoẻ của đám thanh niên trong bản cùng sự hướng dẫn của già làng họ luồn từng sợi mây vào tấm da trâu, riết căng, ép chặt vào hai mặt trống. Những sợi dây mây buộc giăng ngang, dọc trên tang trống được căng một lần nữa bằng những nêm tre già đóng chặt, kéo cho mặt trống có hình thù như quả cầu gai.
Khi màn đêm buông xuống, rất nhiều người ở các bản trong xã đổ về bản Cà Ròong 1 để tham gia lễ hội. Có nhiều người ở các bản xa như A Ky, Cu Tồn… và đồng bào Ma Coong ở nước bạn Lào cũng băng rừng tới tham gia.
Lễ hội đập trống diễn ra theo những quy định của dân bản rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Theo nghi thức, Lễ hội đập trống được tiến hành theo phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ được tiến hành trên khoảng đất rộng, dưới tán của cây cổ thụ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Khi màn đếm buông xuống, mọi người trong bản có mặt đông đủ, trống được treo lên, lửa cũng cháy rực. Già làng bày lễ vật và 7 mâm cỗ cúng Giàng.
Mỗi mâm cỗ gồm một con gà trống, một con cá, một líp xôi, đọt măng rừng, đọt mây, cây đoác. Trước 7 mâm là 7 hũ rượu thiêng. Loại rượu này được ủ bằng những lá cây rừng đặc biệt của người Ma Coong với nếp ngon được cất cả năm mới đưa ra.
Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm nằm trên con suối A Ky(là một khúc ngăn của những con suối chảy qua xã Thượng Trạch và núi rừng Trường Sơn). Vào khoảng tháng 5, dân bản Cà Roòng sẽ ngăn con suối A Ky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt, nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra.Vài giờ trước khi lễ hội diễn ra, đích thân già làng đến thả lưới, những con cá bắt được dùng cúng lễ và sau đó chia cho cả bản cùng ăn.
Theo nghi thức, già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.
Sau khi phần lễ kết thúc là lúc tiếng trống khai hội vang lên. Lúc khoan thai, lúc thúc dồn dập tiếng trống cứ thế vang động khắp một vùng. Người dân đến tham dự đều xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiêng. Những thanh niên khỏe mạnh trong bản cùng giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Vừa đánh trống, đám thanh niên vừa hô vang: “Roa lữ Giàng ơi!” có nghĩa là “sướng quá, vui quá trời ơi!
Những người không tham gia đánh trống cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực.
Đêm “thả cửa” tình yêu
Đối với người Ma Coong, đêm hội này còn được gọi là “đêm thả cửa”. Điều này xuất phát từ việc, vào đêm diễn ra lễ hội đập trống, mọi người không kể lạ quen, tất cả đều được dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tình tứ, thổ lộ những điều thầm kín.
Khi mặt trống bị đánh vỡ, không khí ồn ào, náo nhiệt của lễ hội cũng lắng xuống. Thấp thoáng trong màn đêm, từng đôi trai gái bẽn lẽn dắt tay nhau tiến về một góc riêng nào đó trong khu rừng. Không chỉ người Ma Coong ở Thượng Trạch mà cả người nước bạn Lào ở các bản sát biên giới cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng tình tứ. Chỉ còn những người già, trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.
Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình yêu. Đêm chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa. Cho đến sáng mai, khi con gà thức dậy gáy vang rừng, mọi người mới bịn rịn rời nhau trở về nhà bắt tay vào làm lụng hoặc có những cặp lại cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến đặt lễ trầu cau, nên duyên vợ chồng.