Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của bà Hồ Thị Cúc tại thôn Yên Tố xã Phong Hóa, phản ánh về việc mỏ cát Lưu Thủy đang thuê đất của bà để làm bến bãi cát nhưng lại ngang nhiên làm GCNQSDĐ rồi biến thành quyền sở hữu của mình.
Bà Hồ Thị Cúc cho biết, ngày 5/12/2016, thôn Yên Tố đã làm hợp đồng cho bà thuê đất để bảo vệ trồng tre sát bờ sông với thời gian 25 năm. Đến ngày 24/6/2013, bà Cúc cho ông Hoàng Văn Lưu thuê 220m2 để làm bến cát, có thời hạn 5 năm tức là đến ngày 24/6/2018, với số tiền 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến khi hết hạn hợp đồng thì bà Hồ Thị Cúc nhận được thông báo từ ông Hoàng Văn Lưu và UBND xã là diện tích đất này đã được cấp GCNQSDĐ cho ông Lưu.
“Năm 2006 Hội đồng thôn Yên Tố cho gia đình tôi thuê đất để trồng tre bảo vệ đất với thời hạn 25 năm. Đến năm 2013, ông Hoàng Văn Lưu muốn thuê đất của tôi để làm bến bãi cát. Ngày 24/6/2013, tôi ký hợp đồng với ông Lưu 5 năm trị giá 5 triệu đống đến năm 2018. Tuy nhiên, bất ngờ hết thời gian hết hợp đồng thì ông Lưu đến nói nay không thuê đất của tôi nữa mà sẽ nộp tiền cho xã, huyện, đất này ông đã được bìa đỏ rồi. Ngay sau đó tôi đã lên xã để hỏi mới biết là đất của tôi đang thuê đã cấp bìa đỏ cho ông Lưu. Xã cũng mời tôi về và nói sẽ hỗ trợ cây trên đất bồi thường cho tôi, tỉnh với huyện đã cấp đất cho anh Hoàng Văn Lưu rồi. Tôi không hiểu sao đất đang cho tôi thuê 25 năm mà nay lại hợp thức hóa cấp bìa đỏ cho ông Lưu, mà trong lúc ông Lưu vẫn đang ký hợp đồng thuê đất của tôi”, bà Hồ Thị Cúc bức xúc.
Bà Cúc cho biết thời điểm cho thuê bà cũng không hề biết ông Lưu thuê đất của bà để làm bến bãi cát, mà do xã nói là cho ông Lưu thuê nên mới ký hợp đồng.
Mỏ cát Lưu Thủy được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1503/GP-UBND ngày 20/5/2016. Người dân tại thôn Yên Tố cho biết, mỏ cát Lưu Thủy thực hiện tập kết cát trên vùng đất trồng tre chống sạt lở bờ sông do dân hợp đồng chăm sóc, bảo vệ. Hiện, bãi tập kết cát này Doanh nghiệp Lưu Thủy đã được cấp sổ đỏ, trong đó khu vực chồng lấn vùng tre dự án PAM là 264m2.
“Vùng tre dự án PAM này được trồng từ rất lâu rồi, nó được trồng ngăn sạt lở để giữ làng. Quá trình hút cát dưới thuyền lên bãi, Doanh nghiệp Lưu Thủy đã làm xói lở những rặng tre, nên chúng tôi phải tự đóng cọc chóng sạt lở để bảo vệ tre”, bà Hồ Thị Cúc cho biết.
Ông Hoàng Văn Lưu thừa nhận có làm hợp đồng thuê đất với bà Cúc 5 năm và cũng đã được cấp GCNQSDĐ trong khi đang hợp đồng thuê đất bà Cúc. Ông Lưu cho rằng do thôn và xã không thông báo cho bà Cúc khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông. “Khi tôi làm bãi cát tôi có thuê đất của bà 5 năm 5 triệu để đặt mấy cái ống. Năm 2014, xã đã chuyện mục đích sử dụng đất là qua bến bãi, năm 2016 huyện cấp thẻ đỏ cho tôi, năm 2017 tôi đóng thuế cho huyện. Đại khái là đất này tôi mua, sau đó làm thẻ đỏ rồi thuê lại đất của huyện làm bến. Hết 5 năm hợp đồng với bà Cúc nên tôi không thầu nữa và cũng nói bà là tôi đã thuê đất của huyện nhưng bà không chịu. Thủ tục các thứ vẫn thông qua hội đồng, thôn xã đều xác nhận chuyển đổi. Cái ni là do thôn xã không thông báo cho bà về việc thu hồi, để đền bù cho bà cái này tôi không hiểu bên thôn với bà”.
Người dân tại đây cho biết từ khi cấp phép khai thác cát cho Doanh nghiệp Lưu Thủy thì tình trạng sạt lở hai bờ sông đã diễn ra nghiêm trọng và ngày càng tiến sát vào nhà dân.
Ông Hoàng Văn Trường tại thôn Yên Tố phản ánh: “Kè sông rất tốn kém, nhất là những nơi bờ sông dốc đứng như vùng này, trong khi lợi nhuận thu thuế từ mỏ cát có đủ để đầu tư làm kè 2 bên bờ sông hay không? UBND tỉnh Quảng Bình cần xem xét lại vị trí cấp mỏ cát cho hợp lý, để không ảnh hưởng đến bờ kè sông, và ảnh hưởng trực tiếp đến 14 hộ dân chúng tôi. Còn cấp phép bãi tập kết cát sạn cho Doanh nghiệp Lưu Thủy, mà sử dụng đường dân sinh để làm đường vận chuyển là không đúng”.
Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Bích Hà, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa cho biết: “Xã đã báo cáo sự việc lên huyện, và sắp tới huyện sẽ về phối hợp giải quyết. Trên địa bàn có mỏ cát Sảo Phong được UBND tỉnh cấp phép cho Doanh nghiệp Lưu Thủy khai thác. Doanh nghiệp khai thác cát, người dân có phản ứng về độ ồn, nên ngành môi trường đã quy định không hút cát vào ban đêm. Dân phản ánh sạt lở bờ sông là đúng thực tế, nguyên nhân gây sạt lở phải có cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu, nên chưa thể khẳng định là do hút cát được. Bà Hồ Thị Cúc có hợp đồng với thôn Yên Tố về việc chăm sóc, bảo vệ vùng tre và khu vực đất biền bãi. Ngày 23/8, Phòng TNMT huyện Tuyên Hóa sẽ về chủ trì giải quyết nội dung này”.
Mặc dù, đang hợp đồng thuê đất của bà Cúc để làm bến bãi cát nhưng khi làm GCNQSDĐ ông Hoàng Văn Lưu không hề thông báo cho bà Hồ Thị Cúc mà âm thầm “biến” nó thành đất của mình. Không những vậy, hoạt động khai thác cát của mỏ cát này cũng gây nên tình trạng sạt lở bờ sông khiến cho nhiều người dân bức xúc.
Liên quan đến quy trình cấp GCNQSDĐ cho ông Hoàng Văn Lưu chủ Doanh nghiệp Lưu Thủy, ông Hồ Xuân Hiến- Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tuyên Hóa cho biết: “Cái này là ông này thuê, quy trình thủ tục thuê thì bên anh không làm, bên anh chỉ có in thẻ đỏ thôi. Họ có quyết định cho thuê đất thì bọn anh in thẻ đỏ thôi. Thủ tục này bên Phòng tài nguyên và môi trường họ thẩm tra hồ sơ. Thuê đất, giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất phòng tài nguyên trực tiếp thẩm định”.
Ông Hoàng Xuân Hải- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuyên Hóa cho biết: “Hiện nay anh cũng đã nhận được đơn của bà Cúc về vấn đề này. Anh đang tiến hành kiểm tra, xử lý vấn đề này khi nào có kết quả anh sẽ thông tin lại”.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!