Quảng Bình: Cấp bách phòng, chống dịch bệnh động vật

Hồng Thiệu| 05/04/2021 19:16

(TN&MT) - Thời gian qua, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh khiến hàng nghìn con bị chết tại nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Bình.

Dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Dịch tả lợn châu Phi diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát (đặc biệt trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã có 11 xã, 41 thôn có dịch với 720 con bị bệnh, trong đó 16 con chết; trên địa bàn thị xã Ba Đồn có 04 xã, 50 con bị bệnh) ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Trước tình hình trên, ngày 02/4/2021, Văn phòng UBND tỉnh Quảng  Bình đã có Công văn số 1044/VPUBND-KT về việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Cơ quan chức năng tiến hành các công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 919/TB-VPUBND ngày 25/3/2021 và Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 01/3/2021, coi phòng, chống dịch bệnh động vật là công tác cấp bách, không chủ quan, lơ làm tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân khai báo kịp thời khi phát hiện dịch, tích cực dự báo, nắm bắt tình hình để chủ động triển khai các biện pháp cần thiết; phân công cán bộ huyện bám từng xã, nắm bắt sát đúng tình hình để kịp thời chỉ đạo; chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện để dập dịch; chỉ đạo phong tỏa, dập dịch triệt để ngay ở các hộ vừa phát hiện dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; phối hợp lực lượng Quản lý thị trường, lực lượng Công an và các lực lượng khác có liên quan thành lập, duy trì, tổ chức tốt hoạt động của đội liên ngành để kiểm soát chặt chẽ giết mổ, vận chuyển, mua bán sản phẩm động vật trên địa bàn.

Đối với cấp huyện phân công cán bộ về nắm bắt tình hình và chỉ đạo cấp xã, cấp xã phân công cán bộ về nắm bắt tình hình và chỉ đạo cấp thôn; huy động các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… đi từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tự giác khai báo khi phát hiện dịch, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các địa phương có dịch không thả rông trâu bò, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng của trâu bò, có biện pháp xử lý đối với các hộ dân không chấp hành quy định phòng, chống dịch (xem xét không hỗ trợ khi tiêu hủy trâu bò mắc bệnh); chỉ đạo UBND các xã sắp xếp, bố trí lại chức danh cán bộ thú y cấp xã, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thú y cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tiêu hủy động vật mắc bệnh để người dân nắm, thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường lực lượng tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các xã, người dân, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống, xử lý dịch bệnh. Sở Y tế chủ động phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng ở khu vực xuất hiện dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Cấp bách phòng, chống dịch bệnh động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO