Quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai: Mỗi đồng tiền, vật phẩm phải đến đúng địa chỉ

Thanh Tùng (thực hiện)| 16/09/2021 06:12

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài (ảnh) khi nói về yêu cầu trong việc quản lý và sử dụng Quỹ PCTT. Nhân sự kiện Quỹ PCTT ban hành theo Nghị định 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2021, cuộc trò chuyện của phóng viên Báo TN&MT với ông Trần Quang Hoài đã làm rõ hơn những vấn đề trên.

PV: Những năm qua, hoạt động của Quỹ PCTT đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, trở thành “địa chỉ” tin cậy trong việc thực hiện các nhiệm vụ ứng phó và hỗ trợ người dân sau bão lũ. Vậy tại sao chúng ta lại phải tiếp tục ban hành Nghị định 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ PCTT, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài:

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng của 22 loại hình thiên tai xảy ra ở tất cả các vùng miền, ảnh hưởng đến mọi đối tượng, nhất là người dân ở các vùng khó khăn. Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chính sách cho việc đầu tư, hỗ trợ, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Tuy nhiên, những nguồn lực đó so với yêu cầu thực tiễn còn thiếu rất nhiều. Đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể chính trị - xã hội và cả cộng đồng với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đều rất quan tâm tới công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, mỗi khi có thiên tai, các hoạt động cứu trợ lại được tổ chức rất nhiều và thực tế đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai

Chính vì thế, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ PCTT. Đầu tiên là Quỹ PCTT tại các địa phương. Để khi thiên tai xảy ra, chúng ta sẵn sàng nguồn lực để ứng phó tốt hơn. Đồng thời, việc thành lập Quỹ cũng giúp việc ứng phó, khắc phục hậu quả đến đúng “địa chỉ” và đúng tiêu chí mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội lúc này là cần có một quỹ quốc gia về PCTT để đảm bảo sự điều tiết hỗ trợ các địa phương một cách công bằng. Đó là lý do Chính phủ ban hành Nghị định 78 về thành lập và quản lý Quỹ PCTT. Quỹ được thành lập với những tiêu chí, mục đích rất rõ ràng, cụ thể. Đó là giúp chúng ta tiếp nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới. Ví dụ, sau cơn bão số 12 năm 2017, trực tiếp Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo hỗ trợ cho Việt Nam hơn 3 triệu USD và 1 chuyến bay viện trợ hàng hóa với khối lượng rất lớn các nhu yếu phẩm. Hàng năm, mỗi khi có thiên tai, nhiều nước ASEAN và tổ chức quốc tế cũng gửi hàng hóa cứu trợ đến Việt Nam. Riêng năm 2020, quốc tế đã hỗ trợ cho người dân khu vực miền Trung tới hơn 20 triệu USD.

Mặt khác, Quỹ PCTT cũng cần có sự chia sẻ giữa các địa phương. Chúng ta thấy, nhiều người dân các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã phải chuyển đến nơi ở mới để Nhà nước xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La. Điều kiện cơ sở vật chất nơi ở mới có thể không được như chỗ cũ, nhưng bù lại chúng ta có 2 công trình thủy điện lớn phục vụ việc cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Rõ ràng từ sự “hy sinh” của các tỉnh miền núi mà một số địa phương vùng hạ du được bảo vệ an toàn, có kinh tế phát triển, có khả năng đóng góp nhiều hơn cho Quỹ; còn đồng bào miền núi đến nơi ở mới, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, việc đóng góp cho quỹ để tự bảo vệ an toàn cho mình cũng hạn chế. Vì vậy, Chính phủ đã quy định quỹ có thể điều tiết qua lại giữa cấp tỉnh và Trung ương và giữa các tỉnh với nhau để hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo công bằng hơn.

PV: Thưa ông, Nghị định 78 về thành lập và quản lý Quỹ PCTT vừa ban hành có những điểm mới quan trọng nào so với những quy định trước đây?

Ông Trần Quang Hoài:

Nghị định 78 về thành lập và quản lý Quỹ PCTT là Nghị định thay thế Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 và Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Nghị định gồm 6 Chương, 26 Điều, trong đó có một số quy định mới như sau:

Quỹ Trung ương được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đóng góp tự nguyện, hỗ trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết nguồn lực hỗ trợ từ những tỉnh có tồn dư Quỹ cấp tỉnh lớn cho các tỉnh khó khăn về ngân sách, khu vực miền núi, ven biển. Ngoài ra, nội dung chi của Quỹ Trung ương tập trung cho các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai và không trùng lặp với các nội dung chi của Quỹ cấp tỉnh.

Khắc phục hậu quả, ứng phó, phòng ngừa thiên tai.

Về Quỹ PCTT cấp tỉnh, Nghị định tập trung sửa đổi những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị định số 83/2019 và Nghị định số 94/2014 như cơ cấu tổ chức; bổ sung đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn; giảm 50% mức đóng góp bắt buộc của công dân trong độ tuổi quy định; quy định mức giảm đóng góp của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung thêm một số nội dung chi như: phổ biến tuyên truyền giáo dục, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác PCTT các cấp ở địa phương và cộng đồng; hỗ trợ cho lực lượng thường trực trực ban, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó thiên tai...

PV: Mặc dù được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ khắc phục hậu quả, ứng phó, phòng ngừa thiên tai, nhưng hiện nay, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính cho Quỹ PCTT. Nghị định 78 ra đời giúp khắc phục những khó khăn này ra sao?

Ông Trần Quang Hoài:

Việc thành lập Quỹ PCTT là rất thiết thực cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Có hai vấn đề lớn trong quản lý, vận hành Quỹ là việc thu và chi Quỹ như thế nào. Thực tế những năm qua cho thấy, vấn đề thu đúng là có khó khăn. Khi thu Quỹ, nhiều địa phương đã triển khai theo đúng quy định của Nghị định 78 hiện nay, đó là phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở địa phương. Trong đó, vai trò phối hợp của Cục Thuế địa phương - đơn vị biết rõ nhất tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp đóng đúng, đủ nguồn quỹ - là rất quan trọng.

“Quỹ PCTT có nhiệm vụ: Hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính; Quỹ PCTT có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện Quỹ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan...”.

Cùng với đó, Nghị định 78 cũng quy định, cấp huyện, xã được trích lại 20% nguồn thu để xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh khi có thiên tai. Đồng thời, Nghị định cũng mở rộng thêm phạm vi chi của Quỹ, từ 1 tỷ đồng trước đây lên 3 tỷ đồng như hiện nay. Các loại hình chi cũng rất cụ thể, chặt chẽ để các địa phương trên cơ sở đó triển khai thực hiện tốt. Đặc biệt, hàng tháng Quỹ sẽ được công khai, minh bạch trên mạng xã hội, điều mà chưa có Quỹ nào làm được. Mọi người có thể biết được tình hình thu, chi của Quỹ, biết được địa phương này còn bao nhiêu, đã chi bao nhiêu, còn tồn dư bao nhiêu. Điều này giúp mỗi đồng tiền, vật phẩm mà nhân dân - với tấm lòng yêu thương lẫn nhau - quyên góp đến được đúng địa chỉ cần kíp nhất. Sự công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn cho Quỹ.

Mặt khác, Nghị định 78 cũng quy định các địa phương có thể chia sẻ nguồn Quỹ với nhau. Đây là điều kiện để các địa phương còn khó khăn có thêm nguồn Quỹ từ các địa phương có tiềm lực kinh tế tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai: Mỗi đồng tiền, vật phẩm phải đến đúng địa chỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO