Quản lý tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển: Thiết lập cơ chế phối hợp

05/09/2019 10:26

(TN&MT) - Cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí trong việc các bên liên quan được hưởng các lợi ích từ khu bảo tồn biển, các quy định hỗ trợ người dân trong khu bảo tồn biển chuyển đổi sinh kế và cơ chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ban, ngành trong việc xây dựng, vận hành khu bảo tồn biển.

T11
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ảnh: MH

Đa ngành, đa cấp  quản lý

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, khu bảo tồn biển việc thành lập khu bảo tồn biển cấp quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Trách nhiệm trình dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp quốc gia như sau:  Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn quản lý, sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ NN&PTNT. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập, nội dung quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh theo trình tự: Tổ chức điều tra, đánh giá đa dạng sinh học và lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh; đồng thời, lấy ý kiến của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã liên quan; ý kiến của cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển thông qua hình thức biểu quyết hoặc phiếu lấy ý kiến đối với dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh. Sau đó, tiến hành trình UBND cấp tỉnh thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh. Hồ sơ thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh; trình tự, nội dung thẩm định dự án khu bảo tồn biển cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 9, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT. Quy chế quản lý khu bảo tồn biển được quy định tại mục III, chương II của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (từ Điều 10 đến Điều 15). Pháp luật cũng quy định, Bộ NN&PTNT hàng năm gửi báo cáo về công tác quản lý bảo tồn biển đến Bộ TN&MT.

Cần cơ chế phối hợp

Để quản lý hiệu quả một hoạt động vừa khai thác, vừa bảo tồn một đối tượng có tính chất phức tạp như khu bảo tồn biển, trong nhiều trường hợp, chính người dân là những nhân tố tích cực nhất trong việc bảo tồn, giám sát, quản lý các hoạt động trong khu vực biển. Do đó, mô hình đồng quản lý đã và đang được áp dụng rất thành công ở nhiều khu bảo tồn như: Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ… Ở đây, giải pháp mà mô hình đồng quản lý hướng tới là thống nhất hoạt động giữa ba khối (khối Nhà nước với nhiệm vụ quản lý vĩ mô, khối các bên liên quan trong hoạt động thực nghiệm khoa học và khối cộng đồng địa phương) đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích với Nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi. Mô hình không chỉ giúp nâng cao quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn giúp tăng thu nhập của cộng đồng từ việc bảo vệ tốt tài nguyên và các mô hình sinh kế thay thế, các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng).

Cùng giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy tuyên truyền và nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn biển. Đặc điểm của các khu bảo tồn biển là không tạo ra giá trị vật chất trực tiếp (ngoại trừ một số hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học), tuy vậy, giá trị về hệ sinh thái, năng suất các loài thủy sản, giá trị bảo tồn nguồn gen… mang lại từ các khu bảo tồn biển vô cùng lớn. Do vậy, phải làm cho người dân, đặc biệt là các nhà quản lý hiểu được giá trị và từ đó thay đổi nhận thức về khu bảo tồn biển.

Nhận thấy tầm quan trọng của các khu bảo tồn biển, các tổ chức quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực: Nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân chuyển đổi sinh kế… Ngoài ra, biển là không gian mở, do đó, cần xem xét cách thức thành lập bảo tồn biển xuyên biên giới nhằm tạo ra các khu vực bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học biển và hợp tác quốc tế vì hòa bình - hữu nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển: Thiết lập cơ chế phối hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO